Thành công điều trị bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn

Bệnh viện Trung ương Huế vừa tổ chức lễ chúc mừng bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn, di căn lên não được điều trị thành công (Ảnh: Nguyên Linh)

Loại thuốc mới chữa ung thư vú được cấp phép

Ung thư vú và chế độ ăn uống phù hợp

Đột biến gene BRCA1 và 2 gây ra ung thư vú

Sống thế nào để ngừa ung thư vú?

Hạt tiêu đen giúp ngừa ung thư vú

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, tháng 9/2014 bà Lê Kiều Diễm (40 tuổi, trú  huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) được đưa vào cấp cứu, chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 4, đã di căn lên não, phổi và di căn đặc xương ở thân đốt sống. Tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch, thời gian sống còn rất ít.

Sau khi thu thập đủ tế bào gốc vào ngày 23 và 24/10/2014, bệnh nhân Diễm đã được điều trị bằng hóa trị liều cao và điều trị nhắm đích trong môi trường vô trùng để tiêu diệt hết các tế bào ung thư ở vú và trên não.

Khi toàn bộ tế bào trong cơ thể đã bị tiêu diệt, bệnh nhân Diễm rơi vào tình trạng bị suy tủy không hồi phục. Ngày 27/1/2015, ê-kíp bác sỹ đã ghép tế bào gốc trở lại cho bệnh nhân để tạo ra những loại tế bào mới chính của cơ thể, giúp sức khỏe của bệnh nhân ổn định.

Theo các bác sỹ, ung thư vú di căn phổ biến nhất lây lan đến các hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết ở khu vực nằm dưới cánh tay, cổ, dưới xương ngực, hoặc ngay phía trên xương đòn. Khi ung thư lan rộng hơn nữa trong cơ thể, nó thường được lây lan đến xương, phổi và gan. Trường hợp ung thư vú di căn đến não của bệnh nhân Lê Kiều Diễm là rất hiếm gặp.

Trước đây, việc phẫu thuật ung thư vú bao gồm việc loại bỏ một số hạch bạch huyết ở nách bóc tách. Hiện nay, phương pháp này đã thay đổi, nhiều phụ nữ có thể sinh thiết hạch gần với mô vú chứ không phải là một hạch bạch huyết ở nách. Đặc biệt, phương pháp điều trị ung thứ vú bằng tế bào gốc tuy vẫn còn mới mẻ nhưng đã có nhiều kết quả khả quan.

Đây là bệnh nhân thứ ba được điều trị thành công của đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” do PGS.TS Nguyễn Duy Thăng chủ trì, cùng các cộng sự ở Bệnh viện Trung ương Huế nghiên cứu, ứng dụng trong suốt hai năm qua.

Vào ngày 13/2, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện. Tại buổi lễ, bệnh nhân Lê Kiều Diễm xúc động nói mình khỏe lại như một phép mầu bởi được sinh ra lần thứ hai. bà Diễm đã đọc hai bài thơ do mình sáng tác để tri ân đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo Viện Ung thư Quốc gia, có hơn 232.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 2013, đó là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn bệnh ung thư vú, vì không có nguyên nhân chính xác của bệnh. Một lối sống khỏe mạnh, dinh dưỡng đầy đủ hợp lý, tập thể dục đều đặn và thường xuyên kiểm tra sức khỏe bản thân nói chung, kiểm tra "núi đôi" nói riêng là những cách giúp phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư vú.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn