Cũng theo phân tích của BS. Trần Văn Phúc, vaccine ung thư này cũng giống như một quân bài để phát triển kinh tế. Bởi, theo dữ liệu báo cáo tài chính của gã khổng lồ dược phẩm Pfizer, doanh thu của Pfizer đạt mức cao kỷ lục 100,3 tỷ USD vào năm 2022, tăng 23% so với cùng kỳ 2021, trở thành công ty dược phẩm đầu tiên trên thế giới có doanh thu hàng năm vượt quá 100 tỷ USD, trong đó, 60% là từ vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Mà đó chỉ là vaccine COVID-19, thì chắc chắn rằng vaccine điều trị ung thư sẽ không hề rẻ, nó giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga cải thiện nhanh chóng, trở thành điểm tăng trưởng kinh tế mới của Nga.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, hiệu quả của vaccine này như thế nào thì phải chờ thời gian mới trả lời được.
Angela Evatt lớn lên ở Louisiana và cô thường dành cả mùa Hè để phơi mình dưới ánh nắng mặt trời bên các hồ bơi lãng mạn. Vào thời điểm đó, Angela không nghĩ nhiều đến việc bị cháy nắng, càng không nghĩ đến chuyện bị ung thư da. Từ nhỏ cô đã rất thích tắm nắng, thường xuyên bị cháy nắng và sau đó bắt đầu mọc nốt ruồi trên da.
Cho đến cuối năm 2019, nốt ruồi trên lưng của Angela đột nhiên to hơn, bắt đầu chảy máu và rất đau đớn. Với sự giúp đỡ của người anh họ là bác sĩ, Angela đã đặt được lịch hẹn khám da liễu ở Louisiana. “Bác sĩ da liễu đã xem xét, nhanh chóng sinh thiết và nói với tôi, “Có lẽ là u hắc tố!”. Tôi thậm chí còn không biết điều đó có nghĩa là gì, nhưng tôi biết nó nghiêm trọng." – Angela kể lại. Vài ngày sau đó, ngay sau lễ Giáng sinh năm 2019, các bác sĩ xác nhận Angela bị ung thư biểu mô hắc tố, bệnh đã ở giai đoạn giữa và cuối.
Cũng với sự trợ giúp của anh họ, cô đã được phẫu thuật, được sinh thiết hạch bạch huyết tại Bệnh viện Đại học MedStar Georgetown, kết quả chẩn đoán bệnh ung thư của cô đang ở giai đoạn III, nguy cơ tái phát là rất cao .
"Tôi có thể làm gì khác để giảm nguy cơ tái phát không?" Angela hỏi. “Tôi đã hỏi như vậy và bác sĩ điều trị nói rằng: Có một phương pháp, nhưng đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng, đó là vaccine mRNA kết hợp với liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Nếu muốn, cô hoàn toàn có thể thử." Đây là loại vaccine điều trị ung thư được cá nhân hóa mà ít người thử nghiệm vào thời điểm đó. Vaccine sẽ được tùy chỉnh theo đột biến gene của khối u của bệnh nhân, sau đó được sử dụng kết hợp với thuốc miễn dịch PD-1 sau phẫu thuật.
Là một người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Angela biết rằng hầu hết các thử nghiệm lâm sàng đều không thành công, nhưng cô vẫn cố tìm hiểu thêm. Chồng cô, một nhà tâm lí học, người đã ủng hộ cô tham gia đăng kí điều trị thử. Angela đã trở thành một trong những bệnh nhân ung thư đầu tiên trên thế giới thử nghiệm phương pháp điều trị bổ trợ kết hợp "thuốc miễn dịch PD-1 + vaccine ung thư cá nhân hóa".
Đó là thời điểm năm 2020, đúng thời kì đại dịch COVID-19 hoành hành, cứ ba tuần Angela phải lái xe hàng chục cây số từ nhà để đến bệnh viện tiêm vaccine. Loại vaccine này rất đặc biệt, không phải để phòng ngừa Covid-19 mà để ngăn chặn khối u tái phát. Angela đã ghi lại tỉ mỉ các tác dụng phụ của mình, thường bao gồm tình trạng mệt mỏi cực độ, thỉnh thoảng là phát ban trên cánh tay, hoặc là sốt.
Tính đến năm nay, 2024, Angela đã hoàn thành điều trị được 3 năm, sức khỏe tốt và không có dấu hiệu khối u tái phát.
Tất nhiên, câu chuyện của Angela chỉ là một ví dụ đơn lẻ, nó không có nghĩa là vaccine sẽ hiệu quả. Nhưng tin vui là kết quả nghiên cứu lâm sàng mà cô tham gia đã được công bố trên tạp chí hàng đầu The Lancet vào đầu năm 2024, theo đó, 157 bệnh nhân mắc khối u ác tính ở mức độ trung bình đã phẫu thuật và tham gia vào nghiên cứu và được chia thành hai nhóm. Một nhóm chỉ nhận được thuốc miễn dịch PD-1 và nhóm còn lại nhận được thuốc miễn dịch PD-1 + vaccine ung thư cá nhân hóa. Kết quả cho thấy nhóm kết hợp vaccine ung thư cá nhân hóa + thuốc miễn dịch PD-1 giảm gần 50% nguy cơ tái phát hoặc tử vong so với nhóm chỉ dùng thuốc miễn dịch, gần 75% bệnh nhân không bị tái phát trong hai năm rưỡi.
Trong nhiều thập kỷ, vaccine ung thư là giấc mơ của những nhà khoa học. Họ kỳ vọng sẽ phát triển được một loại vaccine có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể và kiểm soát sự phát triển của tế bào khối u. Các nhà khoa học cũng chia vaccine ung thư thành hai loại chính: vaccine phòng ngừa và vaccine điều trị. Vaccine phòng ngừa được sử dụng trước khi phát bệnh ung thư, với mục tiêu ngăn ngừa ung thư, trong khi vaccine điều trị được sử dụng sau khi phát bệnh ung thư, với mục tiêu ngăn chặn khối u tiến triển và di căn.
Thực tế cũng cho thấy, hiện có 2 loại vaccine phòng ngừa ung thư trên thị trường là vaccine HBV ngừa virus viêm gan B để ngăn ngừa ung thư gan và vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Hai loại vaccine này đều không nhắm vào tế bào ung thư mà kiểm soát tình trạng nhiễm virus, từ đó ngăn ngừa ung thư.
Còn vaccine ung thư mà Bộ Y tế Nga đang nghiên cứu là vaccine điều trị. Thực tế, vaccine điều trị ung thư không phải ý tưởng mới. Trong 10 năm qua, các nhà nghiên cứu đã có những bước đột phá lớn trong nghiên cứu loại vaccine này. Nguyên nhân là do, sự tiến bộ của công nghệ vaccine, được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của COVID-19. Thứ hai là những tiến bộ trong sinh học và công nghệ trí tuệ nhân tạo đã biến việc phân tích các đột biến của từng khối u và điều chỉnh vaccine khối u được cá nhân hóa thành hiện thực.
Ở thời điểm hiện tại, vaccine điều trị ung thư hắc tố mRNA-4157 do Moderna và Merck phát triển đã hoạt động tốt trong các thử nghiệm và có cơ hội nhận được sự chấp thuận của FDA vào năm 2025. Trường hợp của Angela là như vậy.
Chương trình khởi động vaccine ung thư của NHS England, hợp tác với BioNTech, cũng mang đến tia hy vọng sẽ đẩy nhanh sự tham gia của hàng nghìn bệnh nhân vào các thử nghiệm vaccine mRNA cá nhân hóa cho bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và khối u ác tính khác.
Như vậy, y học cá nhân hóa có thể điều chỉnh vaccine phù hợp với các đột biến cụ thể của bệnh nhân, từ đó huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào ung thư dựa trên cấu trúc di truyền của chúng. Có nghĩa là vaccine ung thư được thiết kế riêng. Quá trình này khá phức tạp, bắt đầu bằng việc lấy sinh thiết tế bào ung thư, sau đó giải trình tự gene cho các khối u của bệnh nhân để xác định các đột biến tạo ra protein được hệ thống miễn dịch nhận ra, cuối cùng là điều chỉnh một loại vaccine có thể nhắm mục tiêu chính xác vào các dấu hiệu này, tức là vaccine sẽ tiêu diệt chọn lọc tế bào ung thư của từng bệnh nhân.
Có thể nói, vaccine điều trị ung thư đã đạt được thành công bước đầu trong các thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là liệu pháp kết hợp với miễn dịch PD-1, đã đạt được dữ liệu lâm sàng ban đầu rất tốt về ung thư da, ung thư tuyến tụy, ung thư đầu mặt cổ và các loại khác.
Với những kết quả đã có hiện nay, kịch bản phù hợp nhất với vaccine điều trị ung thư là sử dụng “điều trị bổ trợ” hay “hỗ trợ điều trị” cho những bệnh nhân ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn giữa đã phẫu thuật, như Angela. Tức là sau phẫu thuật, vaccine được sử dụng để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, từ đó cơ thể và loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
Dù là ung thư da, hay ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tụy,… nhiều bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tái phát đáng kể sau phẫu thuật. Nguyên nhân khiến khối u tái phát là do trong cơ thể vẫn còn một lượng nhỏ tế bào ung thư còn sót lại mà mắt thường hay thậm chí là phim chụp không thể nhìn thấy và chúng sẽ phát triển trở lại sau một thời gian. Vũ khí tốt nhất để tấn công những tế bào còn sót lại, không gì khác, là hệ thống miến dịch.
Và bây giờ, Nga phát triển vaccine điều trị ung thư.
Bình luận của bạn