Giúp cuộc sống bớt nhàm chán với một bí quyết nhỏ
Thử ngay phương pháp uống cà phê 3-1 để tăng cường sự tỉnh táo
Hai thực phẩm người bị cholesterol cao nên tránh vào bữa sáng
Giai đoạn hậu sản: Chăm sóc đúng cách để giúp mẹ nhanh hồi phục
Mẹo vệ sinh vật dụng nhà bếp với dầu olive
Nhiều người trưởng thành rơi vào vòng lặp đều đặn: làm việc, chăm lo gia đình, nghỉ ngơi rồi tiếp tục lặp lại. Lối sống này dễ khiến cảm xúc trở nên trì trệ, giảm động lực và mất kết nối với chính mình. Để thoát khỏi trạng thái ấy, một nguyên tắc đơn giản được gọi là “quy tắc mới lạ” (novelty rule) đang được khuyến khích áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Khái niệm này được giới thiệu bởi Liz Moody, người dẫn chương trình The Liz Moody Podcast (Mỹ), với mục tiêu giúp mỗi người tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần.
Theo chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Saba H. Lurie, người sáng lập trung tâm tư vấn tâm lý Take Root Therapy (Mỹ), việc lặp lại cùng một hoạt động trong thời gian dài khiến não bộ hoạt động theo quán tính. Khi đó, con người dễ rơi vào trạng thái sống một cách máy móc, dần mất hứng thú với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, chỉ với một thay đổi nhỏ, chúng ta có thể tăng khả năng tập trung và cảm nhận rõ ràng hơn nhịp sống từng ngày.

Chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần mỗi ngày
Thay đổi từ những điều đơn giản nhất
Nhiều người cho rằng phải đi du lịch, nghỉ dưỡng hay làm điều gì thật đặc biệt mới giúp "làm mới" bản thân. Nhưng theo bà Lurie, sự mới mẻ đôi khi đến từ những điều quen thuộc, chỉ cần bạn thay đổi góc nhìn và cách tiếp cận.
Ví dụ, nếu bạn thường đi dạo buổi sáng theo một cung đường cố định, hãy thử rẽ sang một hướng khác. Việc đi qua một con đường mới có thể mang đến những hình ảnh, âm thanh hoặc cảm xúc hoàn toàn khác. Nếu bạn hay ăn sáng tại một địa điểm quen thuộc, hôm nay hãy thử một quán khác, gọi một món khác. Khi đi chợ hoặc mua sắm, thay vì đến cửa hàng quen, hãy thử ghé một địa điểm khác trong khu vực.
Ngay cả những hoạt động tưởng chừng không thể thay đổi, bạn có thể sáng tạo cách tiếp cận mới. Nếu thường ghi chú công việc trong sổ tay, bạn có thể sử dụng thêm màu sắc, nhãn dán hoặc cách trình bày sinh động hơn. Việc này không chỉ tăng hứng thú mà còn khiến việc lên kế hoạch trở nên thú vị hơn. Thay đổi thời gian thực hiện công việc hoặc sắp xếp lại thứ tự công việc trong ngày cũng là một cách để tạo cảm giác mới.

Tìm cảm giác mới mẻ trong các hoạt động thường ngày
Không chỉ là cảm giác thoáng qua
Theo các nghiên cứu khoa học, việc trải nghiệm điều mới giúp tăng khả năng liên kết của não bộ, còn gọi là “khả biến thần kinh” (neuroplasticity). Khi bạn học hoặc thử điều gì đó mới, vùng hippocampus (hồi hải mã) - khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ sẽ hoạt động mạnh hơn. Quá trình này kích thích cơ thể sản sinh dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác vui vẻ, hài lòng và tỉnh táo.
Do đó, cảm giác hứng khởi khi thử điều mới không chỉ là trạng thái tâm lý thoáng qua mà còn có giá trị sinh học rõ rệt, góp phần nâng cao sức khỏe tinh thần.
Lưu ý khi áp dụng
Mặc dù “quy tắc mới lạ” có thể mang lại lợi ích, mỗi người nên lựa chọn thay đổi phù hợp với hoàn cảnh sống và nhịp sinh hoạt của mình. Việc thay đổi liên tục những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống (như nơi ở, công việc hay mối quan hệ quan trọng) mà không có mục tiêu rõ ràng có thể gây cảm giác mất ổn định.
Ngoài ra, không nên áp lực bản thân phải tìm ra điều mới mỗi ngày. Mục tiêu chính là rèn luyện khả năng quan sát và linh hoạt trong suy nghĩ, không phải tạo ra sự thay đổi gượng ép.
Bình luận của bạn