Giáo sư Maged Younes, Chủ tịch Diễn đàn của các chuyên gia về chất phụ gia và hương liệu thực phẩm cho biết: “Xem xét tất cả các dữ liệu và kết quả nghiên cứu, Diễn đàn đi đến kết luận rằng không nên coi titanium dioxid là an toàn với tư cách là một phụ gia thực phẩm. Yếu tố quan trọng để đi đến kết luận này là chúng ta không thể không quan tâm đến độc tính đối với gene (genotoxicity) sau khi tiêu thụ (consumption) các tiểu phân titanium dioxid. Sau khi đưa vào cơ thể qua đường miệng, sự hấp thu titanium dioxid là thấp nhưng nó có thể tích lũy trong cơ thể”.
Quá trình nghiên cứu đánh giá được tiến hành theo một phương pháp chặt chẽ và trên cơ sở hàng ngàn nghiên cứu thu được từ sau lần đánh giá năm 2016 của EFSA, kể cả các bằng chứng khoa học mới và dữ liệu về các hạt nano (nanoparticle).
Các nhà khoa học lần đầu tiên đã áp dụng Hướng dẫn của Ủy ban khoa học EFSA về công nghệ nano để đánh giá mức độ an toàn của các chất phụ gia thực phẩm. Titanium dioxide E171 thường có chứa tối đa đến 50% các tiểu phân kích thước nano (nghĩa là kích thước nhỏ hơn 100 nanomet) và người tiêu dùng có thể phơi nhiễm với các tiểu phân này.
Độc tính đối với gene liên quan đến khả năng một hóa chất gây tổn hại đến DNA, vật liệu di truyền của tế bào. Do độc tính với gene có thể gây ung thư vì vậy cần đánh giá tác dụng tiềm tàng độc với gene để kết luận về tính an toàn của hóa chất. GS. Matthew Wright, thành viên của Diễn đàn FAF đồng thời là Chủ tịch nhóm công tác của EFSA về E171 phát biểu: “Mặc dù chưa có kết luận về bằng chứng độc tính tổng quát của E171, nhưng trên cơ sở các dữ liệu mới và các phương pháp nghiên cứu tăng cường chúng ta chưa thể loại trừ các mối quan ngại về độc tính đối với gene và do đó chúng ta chưa thể xác định được mức độ an toàn đối với lượng ăn vào hàng ngày (DI: daily intake) của E171”.
Sau khi tiến hành xem xét tất cả các bằng chứng khoa học liên quan. EFSA kết luận rằng không thể loại trừ mối quan ngại về độc tính gene của titanium dioxid. Trên cơ sở mối quan ngại này, các chuyên gia của EFSA không coi titanium dioxid là an toàn khi sử dụng làm chất phụ gia thực phẩm.
Những nhà quản lý rủi ro của Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên đã được EFSA thông báo các kết luận nêu trên và sẽ xem xét để có các hành động thích hợp nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Từ 2008, titanium dioxid (E171) đã được cho phép làm chất phụ gia thực phẩm ở Công đồng Châu Âu tại Phụ lục II Quy chế (EC) số 1333/2008. Độ an toàn của E171 được tái đánh giá trong Diễn đàn EFSA ANS năm 2016 trong khuôn khổ Quy chế số 257/2010 của EU như là một phần của chương trình đánh giá các chất phụ gia thực phẩm được cho phép ở Cộng đồng Châu Âu trước ngày 20 tháng 1 năm 2009.
Năm 2016, Diễn đàn ANS khuyến nghị cần tiến hành các nghiên cứu mới để làm rõ tác dụng có thể có đối với hệ thống sinh sản, để có thể thiết lập lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI: Acceptable Daily Intake) của E171. Sự không chắc chắn về đặc tính của E171 dùng làm chất phụ gia thực phẩm cũng đang được nhấn mạnh, đặc biệt về kích thước tiểu phân và sự phân bố kích thước tiểu phân của titanium dioxid.
Năm 2019, EFSA ban hành một công bố về việc soát xét các rủi ro khi phơi nhiễm với titanium dioxid (E171) của Cơ quan quản lý thực phẩm, môi trường và an toàn sức khỏe nghề nghiệp Pháp (ANSES: French Agency for Food, Environment and Occupational Health Safety). Trong công bố này, EFSA nhấn mạnh quan điểm của ANSES nhắc lại sự không chắc chắn và thiếu các dữ liệu đã được EFSA đề cập không làm mất giá trị các kết luận của cơ quan quản lý về độ an toàn của titanium dioxid.
Cũng trong năm 2019, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng của Hà Lan (NVWA: Netherlands Food and Consumer Product Safety Authority) cũng đưa ra quan điểm về khả năng tác động đến sức khỏe của chất phụ gia thực phẩm titanium dioxid, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải nghiên cứu thêm tác động về độc tính miễn dịch.
Ngày 8/9/2021, theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) đã chính thức phản hồi về tác động của việc rút titanium dioxide khỏi danh mục chất bổ sung thực phẩm và tá dược được phép đối với dược phẩm.
Titanium dioxid (TiO2) được sử dụng rất phổ biến như chất tạo độ đục (opacifier) và chất mầu (colorant) trong thực phẩm và dược phẩm do hóa chất này có rất nhiều chức năng. TiO2 thường được sử dụng trong thuốc uống dạng rắn (oral solid dosage form) ví dụ: nang cứng, nang mềm, viên nén, cốm/bột…), trong dạng thuốc uống bán cứng (gel, paste để uống). TiO2 hiện diện trong rất nhiều thuốc thiết yếu kể cả thuốc đái tháo đường, kháng sinh… và cả trong thuốc thú y.
Thật khó nếu không muốn nói là không thể tách biệt các chức năng khác nhau của TiO2 đối với các dạng dược phẩm nói trên trong đó TiO2 được sử dụng không chỉ với một chức năng đơn lẻ. Một khả năng có thể được tính tới là sử dụng calci carbonat, bột talc hay tinh bột. Tuy nhiên khi sử dụng các chất thay thế này sẽ vấp phải một số các điểm bất lợi (không có khả năng tạo màng film, vấn đề nguồn cung ứng, calci carbonat và bột talc khai thác từ quặng mỏ có thể có nhiều tạp chất…).
Vì vậy, EMA cho rằng vấn đề thay thế TiO2 hiện nay chưa có tính khả thi. Cần phải khảo sát và đánh giá ảnh hưởng (của TiO2) đối với từng dược phẩm cụ thể, từ đó cần có nghiên cứu các phương án xây dựng lại công thức sản phẩm, đưa ra các dữ liệu mới về quy trình sản xuất, độ hòa tan và các dữ liệu lâm sàng (tương đương sinh học). Tất cả các vấn đề này cần phải được Cơ quan quản lý dược quốc gia và EMA đánh giá.
Các tác động trực tiếp và gián tiếp trên thuốc dùng cho người và thuốc thú y có thể sẽ trầm trọng thêm nếu chỉ có Châu Âu là châu lục duy nhất trên thế giới ban hành lệnh cấm sử dụng TiO2 như là một tá dược cho dược phẩm, điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất dược phẩm phải nghiên cứu lại công thức mới cho các thuốc uống dạng rắn chỉ để dùng cho Châu Âu, trong khi TiO2 vẫn được tiếp tục sử dụng trong các quốc gia còn lại trên thế giới.
Một phương án quá độ khả dĩ chấp nhận được để ngừng sử dụng TiO2 trong tất cả các công dụng trong dược phẩm nhằm mục đích tạo mầu cũng khó dự tính hoặc đánh giá. Thời gian để xây dựng lại công thức một được phẩm sẽ phải mất hàng năm phụ thuộc vào trình độ nghiên cứu (của doanh nghiệp) và phụ thuộc vào các quy định về quản lý của Cơ quan quản lý dược về đánh giá và cấp phép.
Cân nhắc về mức độ sử dụng titanium dioxid, thời gian, chi phí để xây dựng lại công thức thuốc và khối lượng dược phẩm chịu tác động, có thể thấy rằng yêu cầu thay thế titanium dioxid có thể gây ra sự đứt gẫy cung ứng và thiếu hụt thuốc trên thị trường Cộng đồng Châu Âu. Đặc biệt liên quan đến một số nhóm dược phẩm nhạy cảm như thuốc nhi khoa, thuốc hiếm (orphan medicines), các dược phẩm có thị phần nhỏ…
Bình luận của bạn