Hái lộc đầu xuân là nét đẹp trong văn hóa của người dân Việt Nam
Những điều du học sinh cần lưu ý khi về đón Tết
Nhiều gia đình du lịch đón Tết, du xuân
Những mẹo vặt dọn nhà đón Tết
Dọn nhà đón Tết: Cảnh giác tai nạn tại gia!
Chặt cây, bẻ cành - không phải là hái lộc
Theo phong tục xưa, khi Tết đến Xuân về, người dân thường tới chùa, đình, đền, phủ, miếu để hái một nhánh lộc non đem về với quan niệm vào thời khắc giao thừa, xin cành lộc nhỏ chốn linh thiêng sẽ được ban cho tài lộc, may mắn cả năm. Xưa kia, các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ của cây xanh, sung, đa… đem về nhà rồi treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa tuy nhiên nhiều năm qua nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch.
Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Nhiều người mang dao đi “chặt lộc” cho được lộc to, lộc nhiều. Cũng có những trường hợp ra chùa hái lộc, nhưng phải chọn lộc đẹp nên “chịu khó” trèo lên cây cao giữa đêm giao thừa để chọn rồi “bẻ lộc”.
Mua cành lộc đầu năm thay cho việc bẻ cành, phá hoại cây xanh
Theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường – Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người: “Trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vì vậy, khuyên con cháu không nên bẻ cành, hái lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức”.
Hái lộc thế nào cho đúng?
Theo GS Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam: “Không có chuyện hái lộc non là đưa lại may mắn, sức khỏe tài lộc cho bản thân và gia đình. Điều đó vừa tàn phá cây cối, vừa thiếu văn hóa. Tốt nhất, mọi người không nên bẻ cành, hái chồi non dịp năm mới mang về nhà".
“Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa đen là chồi non mới nhú, nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Nghĩa thứ 2, lộc là điều tốt đẹp. Lên chùa thắp một nén hương để xin lộc thì lộc có thể được hiểu là sức khỏe, con cái, bình an… và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.
Sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên nhờ những cành lộc, nhưng việc bẻ cành, chặt cây là những việc làm không mấy nhân văn của một số người đã và đang tàn phá, hủy hoại môi sinh mà nhiều người đang cố gắng tạo dựng.
Đại đức Thích Trí Hiến, chùa Hưng Khánh (Bình Định) cũng cho rằng, nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” theo các cụ xưa là gặt hái quả phúc, hỷ lạc… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Có như thế “lộc” hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện.
Bình luận của bạn