Những ngày này, ở khắp nơi trên cả nước đều lung linh hoa đăng đón mừng mùa Phật Đản
Ngày Phật Đản: Thành tâm từ bi, thân trong cõi Bụt
Sẽ có hơn 10 nghìn người dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2014 tại Ninh Bình
Sẵn sàng cho Đại lễ Phật đản LHQ tại ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Trong những ngày này, cờ hoa, đèn, lọng, biểu ngữ trang hoàng trên khắp các ngả đường dẫn vào các ngôi chùa, không khí mùa Phật Đản sôi nổi với nhiều nội dung phong phú. Các Phật tử cùng nhau trang trí lễ đài, vườn Lâm-tỳ-ni tái hiện cảnh Đức Phật đản sanh, để chuẩn bị cho Lễ Phật Đản diễn ra vào ngày 30/5 và 1/6/2015 (nhằm ngày 13 và 15/4 âm lịch).
Cùng với nhiều chùa trong cả nước, sáng 29/5, tức ngày 12/4 âm lịch, chùa Trung Kính Hạ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, tổ chức lễ Phật Đản. Chư Tăng Ni và các phật tử tề tựu đông đủ, trang nghiêm tụng kinh, nghe giảng về ý nghĩa Phật Đản và cử hành nghi thức tắm Phật trong sự thành kính, hòa hợp.
Phật tử tụng kinh mừng lễ Phật Đản
Hòa thượng Thích Diệu Tiến, chùa Trung Kính Hạ cho biết: Ngày Phật Đản còn gọi là Quán Phật hội (hội tắm Phật), với cao điểm là nghi thức tắm Phật. Tắm Phật cũng là dịp để Phật tử nhìn lại tâm thức của mình và tưởng nhớ đến những lời Phật dạy. Dịp này, Phật tử đến chùa tụng kinh niệm Phật, làm việc từ thiện và dùng cơm chay.
Hòa thượng Thích Diệu Tiến cho biết: “Người đời nhớ đến những công đức, giáo lý đạo Phật để lại cho chúng ta, đó là một kho tàng vô cùng quý giá mà nhân loại trải qua hơn 2.000 năm vẫn chưa lỗi thời. Chính vì vậy, những người con Phật phải biết đến ngày sinh của Ngài để tôn vinh, để ca ngợi Đức Phật và để cho các Phật tử cũng học theo các đức tính của Ngài, học theo những giáo lý của Ngài qua những bộ kinh sách hay qua những giáo lý mà Đức Phật đã truyền lại. Đó là ý nghĩa sâu xa, làm sao chúng ta đến chùa và học được cái hạnh của Ngài và làm theo cái hạnh của Ngài, đó là điều quan trọng nhất”.
Phật Đản là dịp để mọi người tôn vinh giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo, để hiểu rõ hơn về tinh thần bình đẳng và hòa bình của Đức Phật. Đối với những người theo Phật giáo, dù có quy tam bảo hay chỉ tỏ lòng yêu mến đạo Phật thì dịp Lễ Phật Đản cũng đều hướng tới công ơn và noi theo sự cao quý, cao thượng của Đức Phật.
Phật tử Nguyễn Thị Thanh ở, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tất cả mọi thứ không để ở trong lòng mà mọi người đều hướng về Phật. Tôi muốn ra chùa tắm Phật để tâm được thanh tịnh và trong sạch. Những gì vấp phải trong cuộc sống thì ra đây cũng cảm thấy thảnh thơi. Ra lễ cũng để cầu cho mọi người trong gia đình được bình an, hạnh phúc”.
Các Phật tử làm lễ tắm Phật
Dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ tổ chức xe hoa trang hoàng đẹp diễu dành trên các đường phố; Làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông; Các chương trình văn nghệ Phật giáo chào mừng Phật Đản, thuyết giảng Phật pháp.
Một số gia đình phật tử tại Hà Nội có dịp bày tỏ tấm lòng của mình, dành khuôn viên sân để trang hoàng lễ đài, cờ đèn, 7 đóa sen hồng.... sao cho thật trang nghiêm, lộng lẫy. Các phật tử còn dâng hương, tặng hoa, nghe thuyết giảng để vinh danh Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) và thực hành ăn chay, làm việc từ thiện mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh, kém may mắn trong cộng đồng.
Phật tử Phạm Thị Thu cho biết: “Nhà chùa tổ chức ngày này cũng để cho nhân dân hướng thiện. Đọc lược sử về Đức Phật Thích Ca, mọi người cũng rất xúc động. Nghi lễ tắm Phật không phải để cho Phật sạch, mà ý nghĩa Phật pháp ở đây là tắm để rũ sạch bụi trần, sạch để sạch cái tâm tính, muốn Phật để tâm, khai quang cho mọi người và để nhân dân được an lạc, thông hiểu Phật pháp”.
Lễ Phật Đản 2015 diễn ra đúng vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát đi thông điệp kêu gọi các cơ sở tự viện, các cấp Giáo hội tổ chức các khóa tu cho thanh thiếu niên, nhi đồng, tạo một không gian văn hóa lành mạnh, giáo dục các cháu có hiếu với cha mẹ, kính trọng thầy cô giáo, chăm học để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước.
Bình luận của bạn