Nguồn gốc và ý nghĩa của tiết Thanh minh

Tảo mộ là một tập tục đẹp trong dịp tiết Thanh minh

Thanh minh trong tiết tháng 3...

Tiết Thanh minh: Tảo mộ thế nào cho đúng?

Hóa vàng ngày Thanh Minh, cháy cả ngàn mét vuông vườn đồi

Ý nghĩa Tết Hàn thực trong văn hóa người Việt

Nguồn gốc của tiết Thanh minh

Tiết Thanh minh bắt nguồn từ lễ tế mộ thời cổ đại của đế vương, sau này dân gian mô phỏng theo. Vào dịp này, người dân tổ chức thăm mồ mả tổ tiên, quét dọn lau chùi cho sạch sẽ, lâu dần trở thành một phong tục. Lễ tiết Thanh minh ngày nay không còn như xưa, mà là sự giao thoa hòa trộn của các lễ tết khác gồm Tết Hàn thực và Tết Thượng tỵ, vì vậy trong dịp này mọi người thường hay ăn đồ ăn nguội.

Ý nghĩa tiết Thanh minh của người Việt

Đối với người dân Việt, tiết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến tiết Thanh minh hằng năm cũng cố gắng về với gia đình để tảo mộ, sum họp bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.

Vào ngày tiết Thanh minh, mọi người thường đi tảo mộ

Công việc chính trong tiết Thanh minh là tảo mộ. Nhân dịp tiết Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ

Tết Thanh minh năm nay là ngày nào?

Tiết Thanh minh thực chất là một trong 24 tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày lập Xuân 45 ngày. Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 dương lịch tới 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. Thanh minh cắt nghĩa ra thì Thanh là trong, Minh là sáng, tiết Thanh minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ.

Người ta thường lấy ngày đầu tiên của tiết Thanh minh là ngày Tết Thanh minh. Năm nay, ngày đó rơi vào 4 tháng 4 dương lịch. Đặc biệt, theo quan niệm xưa nếu Tết Thanh Minh trùng vào ngày 3/3 âm lịch - Tết Hàn thực thì được coi là “Tết Thanh minh đích thực”. Bắt đầu từ ngày này, mọi người có thể tổ chức lễ tảo mộ, du Xuân, kết hợp giữa việc cúng lễ tỏ lòng hiếu kính.

Tết Thanh minh năm nay diễn ra vào ngày 4/4 Dương lịch

Cách chuẩn bị lễ cúng tiết Thanh minh

Theo phong tục, các gia đình sẽ có một lễ cúng tại gia đình trước khi tiến hành tảo mộ. Lễ cúng này nhằm mục đích yết cáo với thần linh, tổ tiên, xin phép cho con cháu được sửa sang phần mộ của người đã khuất. Lễ cúng thường là lễ cúng mặn, có gà trống luộc, xôi trắng, hương hoa trà quả… Đối với những gia đình lớn, người dâng hương trong lễ cúng này thường là con trưởng của gia đình hay cháu trưởng của dòng tộc. Lễ cúng ngoài mộ cũng cần đầy đủ như lễ cúng tại gia đình. Một số gia đình có thể hóa thêm ngựa, quần áo, tiền vàng mã… với niềm tin rằng người đã khuất có thể nhận được sự quan tâm của người còn sống.

Tiết Thanh minh, có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, sau quá trình du nhập sang nước ta đã có sự cải biến phù hợp để trở thành ngày lễ mang tinh thần văn hóa Việt. Nếu người Trung Quốc coi đây là dịp tưởng nhớ Giới Tử Thôi – một trung thần thời nhà Tấn thì với người Việt, thì tiết Thanh minh cũng như bao dịp lễ khác, đều là ngày để hiếu kính tổ tiên, dâng lòng thành thơm thảo lên những bậc tiền nhân và là ngày con cháu quây quần, sum họp, nối tiếp truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc.
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa