Tại Hội nghị triển khai các quy định về an toàn thực phẩm đối với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh bún và bánh tươi trên địa bàn TPHCM, GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn - Công ty Dịch vụ Khoa học Sắc Ký Hải Đăng - cho biết: Ngoài tinopal trong một số mẫu được kiểm nghiệm tại Sắc Ký Hải Đăng đã tìm thấy những hóa chất khác trong thực phẩm chế biến từ gạo như: Sodium Sulfite (Na2SO3); sodium benzoate; acid oxalic; formaldehyde.
Hai chất sodium sulfite và sodium benzoate được phép dùng trong thực phẩm nhưng có quy định hàm lượng, riêng acid oxalic và formaldehyde thì không được phép dùng. Acid oxalic là một hợp chất hóa học tương đối mạnh, kích thích niêm mạc ruột khi tiêu thụ và có thể gây tử vong cho người sử dụng nếu liều lượng lớn; formaldehyde thường được sử dụng để làm chất tẩy uế hoặc bảo quản các mẫu sinh vật. Khi vào cơ thể, fomaldehyde được chuyển hóa thành acid formic, dẫn đến tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê hoặc dẫn đến chết người với liều lượng lớn.
GS. Ngọc Sơn cho biết thêm, thực tế kiểm nghiệm của Công ty Dịch vụ Khoa học và Công nghệ Sắc Ký Hải Đăng cũng cho thấy nhiều mẫu phát hiện sodium benzoate, có mẫu vượt 1.000 mg/kg. GS. Ngọc Sơn nhận định có thể các mẫu bún để lâu không hỏng một phần là do sự hiện diện của sodium benzoate.
Riêng về chất tinopal hiện chưa thấy bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có tài liệu ghi nhận thông tin các sản phẩm chế biến từ gạo chứa tinopal. Sự việc bún, bánh canh, bánh ướt… của Việt Nam “có độc” đang trở thành thông tin nóng khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Phân tích của GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn chỉ ra: Tinopal là tên gọi của một nhóm hóa chất phát huỳnh quang, tăng sáng quang học. Hóa chất này sử dụng trong công nghiệp sản xuất bột giấy hoặc sản xuất bột giặt, dù ở bất kỳ hàm lượng nào cũng tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm. Việc dùng mắt thường xác định thực phẩm có chứa chất độc này hay không chỉ là phỏng đoán bởi trên thực tế các phân tích phải tiến hành rất phức tạp.
Do tinopal bám rất chặt vào sản phẩm làm từ gạo thông qua tương tác lưỡng cực, liên kết hydrogen, liên kết ion. Việc chiết tách thông thường không đạt hiệu quả dẫn đến không phát hiện được độc tố này. Muốn xác định cụ thể cần phải loại bỏ các tương tác trên trước khi chiết tách tinopal ra khỏi nền mẫu mới có được một kết quả đáng tin cậy.
Kỹ thuật sản xuất bún truyền thống không sử dụng hóa chất nhưng vẫn mang lại hương vị thơm ngon. Hiện nay, do sử dụng gạo không đảm bảo chất lượng hoặc muốn tăng độ sáng bóng để “làm đẹp bún” nhằm mục đích bán chạy hàng nên các cơ sở sản xuất đã bỏ chất cấm vào bún. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục VSATTP TP.HCM nhấn mạnh nếu cơ sở sản xuất dùng gạo đảm bảo chất lượng và tuân thủ quy trình công nghệ thì không cần thiết phải sử dụng bất kỳ loại phụ gia thực phẩm nào.
Hiện, TP.HCM có hơn 400 cơ sở sản xuất bún và các sản phẩm bánh tươi. Nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng chiều 29/7 dưới sự chủ trì của Sở Y tế và Sở Công Thương TP.HCM các cơ sở sản xuất và phân phối đã ký cam kết không bỏ chất cấm vào sản phẩm bún và bánh tươi. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Lâu nay, Sở chỉ tập trung kiểm tra formol, hàn the trong thực phẩm, sắp tới chất tinopal sẽ được đưa vào danh mục chất cấm phải kiểm tra. Sở đã yêu cầu các quận huyện rà soát, kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất bún từ nay đến ngày 10/8. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm sẽ công bố rộng rãi để người tiêu dùng được biết. Bên cạnh đó, bà Ngọc Đào khuyến cáo các đơn vị sản xuất, phân phối cần có bao bì ghi rõ thông tin về địa chỉ, tên nhà sản xuất, cơ sở chế biến, hạn sử dụng của sản phẩm.
Bình luận của bạn