Về Hoằng Quỳ xem chèo chải

Theo các cụ cao niên trong làng Ích Hạ kể lại, theo lệ làng xưa vào những dịp lễ hội đầu năm, người dân 4 làng Phúc Tiên, Trọng Hậu, Ích Hạ, Đức Giáo thường tập trung ở bãi Giang Đình, trước đền Tến để đua thuyền cạn. Về sau, ông Hoàng Giáp Trịnh Thuần là người làng Ích Hạ đã viết lời hát trong các cuộc đua, nâng cuộc đua thuyền thành trò diễn dân gian có tên là chèo chải.

Đội chèo chải Hoằng Quỳ đang biểu diễn.
Đội chèo chải Hoằng Quỳ đang biểu diễn.

Đất nước chiến tranh, chèo chải cũng phải chịu số phận long đong, chìm nổi, có lúc tưởng chừng như không giữ được nữa. Mãi đến năm 1997, khi có phong trào xây dựng làng văn hóa thì chèo chải ở nơi đây mới được khôi phục và phát triển. Phúc Tiên, Trọng Hậu, Ích Hạ, Đức Giáo- làng nào cũng có đội chèo chải, sắm sửa đầy đủ trang phục, dụng cụ để biểu diễn trong các dịp hội làng. Không chỉ vậy, vào những dịp lễ hội đầu năm, đội chèo chải trong xã còn đến giao lưu, dạy cho các xã lân cận như Hoằng Lý, Hoằng Hợp, Hoằng Giang… cách múa, hát chèo chải.

Cụ Trịnh Thị Hiếu (99 tuổi, làng Ích Hạ) là người duy nhất còn lại trong đội chèo của làng từ năm 1936, có công gìn giữ và khôi phục phát triển chèo chải, cho biết: “Điệu múa hát chèo chải có từ xa xưa, khởi nguồn từ lao động chân tay của nam giới nhưng được cách điệu thành một tiết mục diễn xướng trang nghiêm, hấp dẫn mà người tham gia là nữ giới. Việc chọn 12 cô gái hát múa chèo chải xưa rất công phu, phải là những cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đủ tiêu chuẩn về sắc đẹp, hát hay, múa dẻo…”.

Nhưng ngày nay, không nhất thiết phải là gái thanh tân, chỉ cần là người hát hay, múa dẻo, nhà không có tang là có thể tham gia đội chèo chải của làng. Một bài chèo chải có nhiều phần như hát nhạc hương, hát giáo đầu, bắt mái đồng hò, bắt mái hò khoan, mái dặm, hát chúc và chèo cạy...

Ông Vũ Công Chí- Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa nghệ thuật quần chúng – Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Chèo chải Hoằng Quỳ là trò diễn dân gian có lịch sử lâu đời và mang giá trị nhân văn cao đẹp. Thông qua chèo chải, người nông dân thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với nhân vật có công trong lịch sử, thể hiện mong muốn mưa thuận gió hòa, khát vọng về một cuộc sống thanh bình, no ấm.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa