"Cò" vé chợ đen công khai bán vé tàu Tết Ất Mùi
Vé tàu tết: Mua 1 vé tốn 2 ngày
Mua vé tàu qua mạng: Dân lại được “sướng”
Vé tàu Tết 2015: Giảm 20% so với 2014
Tết 'dương' nghỉ 4 ngày, Tết 'âm' nghỉ 9 ngày
Ga Vinh cháy lớn vì bị đổ xăng phóng hỏa
Mùa của “cò” vé
Tại ga Hà Nội, hành khách phải hết sức vất vả để có thể mua được tấm vé về quê ăn Tết. Và khi bên trong nhà ga lần lượt thông báo hết vé từng tuyến đến thì bên ngoài, các “cò” vé tàu Tết hoạt động nhộn nhịp. Từ cổng ga, khu vực bán vé, bãi gửi xe hay các hàng quán xung quanh nhà ga, đâu đâu cũng có bóng dáng "cò".
Theo lời một số "cò" vé tại Ga Hà Nội, giá vé tàu Tết “chợ đen” năm nay chênh lệch hơn so với năm trước một chút. Trung bình mỗi vé mua chênh lệch từ 100.000 - 150.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu mua chỉ việc ghi rõ ngày đi, ngày đến và số hiệu tàu, đóng tiền cọc bằng 80% giá vé là có vé như mong muốn, cho dù nhà ga đã báo hết vé.
Bạn Lê Trường Giang (Nghệ An) cho rằng: "Năm nay cũng giống hệt năm ngoái, bắt đầu thời điểm đặt vé qua mạng là xảy ra tình trạng mạng nghẽn, rớt liên tục, không đăng nhập được để đặt vé. Chúng tôi tìm đến ga để mua vé trực tiếp lại rơi vào tình trạng nhà ga thông báo hết vé. Để có vé, tôi đành mua từ "cò" tại cổng ga".
Đặc biệt, là ở Ga Sài Gòn, nơi được coi là đất diễn của “cò” vé. Theo tổng hợp của Ga Sài Gòn tính đến 13 giờ ngày 5/12, chỉ còn 35.693 vé tàu Tết Ất Mùi chiều chẵn, chủ yếu từ ngày 8 – 12/2/2015 (từ 20 – 24 tháng Chạp). Trong đó, số vé về miền Trung còn lại rất ít. Thế nên, rất nhiều khách không mua được vé theo nhu cầu của mình và đây cũng là thời gian và cơ hội tốt cho "cò" vé hoạt động.
Cò vé xuất hiện ở khắp mọi nơi (Ảnh: Quốc Chiến)
Từ cổng Ga Sài Gòn, dễ dàng nhận ra đội "cò" vé ngay ở cửa bán vé của ga. Người phụ nữ gầy gò, da rám nắng nhanh miệng: "Em muốn đi ngày nào, bao nhiêu vé chị cũng có hết". Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, người này bồi thêm: "Vé có sẵn ở chỗ chị rồi, mua là có liền, không phải đợi ngày lấy". Chúng tôi thử hỏi mua 2 vé đi Quảng Ngãi vào ngày 22 tháng Chạp thì được ra giá 660.000 đồng/vé, trong đó 412.000 đồng là tiền vé, còn 250.000 đồng là tiền công, nếu mua 2 vé thì tiền công sẽ là 500.000 đồng.
Bắt đầu từ 7h sáng, các cò vé đã tập trung ở cổng ga (chủ yếu bên cổng ra và khu vực xung quanh cổng). Nhiều hành khách sau khi xếp hàng nhưng không mua vé được theo nhu cầu nên đã phải ra hỏi giá vé chợ đen.
Anh Nguyễn Văn Sang (huyện Bình Chánh), đợi mua vé tàu Tết 2015 từ 5h sáng đến 9h, khi đến được quầy vé nhưng không có vé theo nhu cầu, anh quyết định ra mua vé chợ đen. Anh Sang cho biết, những ngày Tết như thế này, ai cũng muốn về quê ăn Tết mà tàu hỏa luôn là phương tiện an toàn, giá phù hợp cho người lao động nghèo. Thế nhưng, đa phần người dân này không thể tiếp cận để mua vé tàu trên mạng nên phải đợi lên ga mua. Nếu lên ga mua không được thì hoặc là chuyển sang đi xe, hoặc mua vé chợ đen của các có mồi để có vé kịp về quê đón tết.
Chị Minh (quê Đà Nẵng) mua vé về quê ăn Tết, chia sẻ: “Tôi đến ga cả 2 ngày, xếp hàng đợi đến lượt nhưng không mua được vé. Không còn cách nào khác đành phải chi thêm 500.000 đồng cho "cò" để có vé, chỉ mong đó may mắn là tấm vé thật.
Anh T., hành nghề bốc xếp trong ga Sài Gòn, kể: “Mấy cò vé này đông lắm. Đa số là dân chợ búa bến xe, chạy xe ôm, bán nước vỉa hè. Họ đứng trước cổng bán vé chui, hễ thấy công an, bảo vệ lại chạy tán loạn. Sau khi công an, bảo vệ rời đi thì đâu lại vào đó”.
Vé ở đâu ra?
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tất cả vé tàu Tết Ất Mùi đều được đưa lên kho vé, người mua phải đặt qua mạng trên trang web www.dsvn.vn. Việc đưa vé công khai lên mạng đặt chỗ là nhằm giúp mọi người trực tiếp tương tác, tiếp cận kho vé, qua đó ngăn chặn tình trạng cò mồi trục lợi.
Với cò vé thì "cần bao nhiêu cũng có" (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, khi chúng tôi trò chuyện với "cò" Bắc, bà này tiết lộ nguồn vé được các đại lý từ khắp nơi, kể cả ở tỉnh Bình Dương, tuồn về bán lại. Theo bà Bắc, các đại lý bỏ sỉ vé chênh lệch 150.000 đồng, sau đó đại lý cấp 2 lấy thêm 70.000 đồng, đến tay cò chỉ hưởng chênh lệch 30.000 đồng.
Nhiều "cò" vé còn chia sẻ với hành khách, thực tế số lượng vé có chỗ ngồi tốt vẫn còn nhiều, giá chênh lệch như vậy là... rẻ. Và họ khuyên khách mua ngay, đừng đợi sát ngày về mới mua thì giá chênh lệch sẽ đội lên rất cao, cao gấp nhiều lần hiện tại nhưng chưa chắc có vé, có chỗ ngồi như ý.
Trao đổi với phóng viên về nguồn gốc vé chợ đen, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ga Sài Gòn, khẳng định không có bất kỳ đại lý nào của ga bán vé tàu Tết. Riêng nhân viên nhà ga, trước khi bán vé tàu Tết đều ký cam kết không tham gia, tiếp tay với tiêu cực; nếu ai vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc. “Có thể lượng vé mà phe vé nắm trong tay là do họ tự lên mạng, dùng CMND của mình và người thân đặt mua”, ông Thành phỏng đoán.
Bình luận của bạn