Vén 'bức màn' phòng mổ

Mặc dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng các bác sỹ phẫu thuật vẫn luôn cố gắng hết mình cứu chữa bệnh nhân

Nâng cao chuyên ngành phẫu thuật tim mạch và lồng ngực

Phẫu thuật lấy cá sống dài 60cm trong bụng

Phẫu thuật giảm cân làm giảm nguy cơ bị đái tháo đường

Phẫu thuật thành công khối u sau phúc mạc nặng 3kg

Phẫu thuật tim cho thai nhi nằm trong bụng mẹ

Thản nhiên bên máu, mủ

BS. Nguyễn Thanh Thái - Trưởng Khoa Tạo hình - Hàm mặt Bệnh viện (BV) Việt Nam - Cuba cho biết, ngay cả với bác sỹ mới vào nghề cũng dễ choáng váng, say ngây ngất khi hít phải thuốc gây mê trong phòng mổ. Còn các bác sỹ kỳ cựu, tuy quen nhưng nếu đứng mổ 5-7 giờ, khi rời khỏi phòng đều bị đau đầu khủng khiếp.

Mùi của phòng mổ không chỉ có thuốc sát khuẩn mà còn vô vàn mùi độc hại khó chịu khác, chẳng hạn như mùi thịt cháy khét lẹt, tanh nồng do bác sỹ mổ bằng dao điện, vừa mổ vừa đốt mạch máu để hạn chế chảy máu, dao mổ đi đến đâu, thịt cháy đến đó. Có y tá chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo vì không chịu nổi mùi gắt, vậy mà bác sỹ vẫn tỉnh queo, tiếp tục miệt mài mổ.

Có ca mổ vỡ ruột già, mùi vị hổ lốn những chất thải cùng với máu mủ bốc lên ngột ngạt, các bác sỹ vẫn chăm chú dùng bông gạc, máy hút khẩn trương làm vệ sinh cho bệnh nhân vì chỉ chậm một chút, ổ bụng sẽ bị nhiễm trùng, nguy hiểm khôn lường.

Điều dưỡng viên Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực BV Việt - Đức, cũng luôn “ấn tượng” với mùi khủng khiếp của các ca áp xe ruột thừa đã bị hoại tử. Hồi mới vào làm việc, anh không nín được cơn ói khi bác sỹ vừa mổ ổ bụng ra. Sau đó suốt mấy ngày, anh bỏ cả ăn uống vì cứ nhớ tới là nuốt không trôi nhưng riết rồi thì quen.

Trong phòng mổ, ngoài những trang phục, phụ kiện cơ bản như áo phẫu thuật, khẩu trang..., bác sỹ còn phải đeo kính để hạn chế máu mủ của bệnh nhân bắn vào mắt. Thế nhưng, cũng có những trường hợp khối u lớn của bệnh nhân chịu áp lực cao nên khi vừa rạch qua lớp da mỏng thì những tia máu mủ phun ra, bắn thẳng vào mặt bác sỹ phẫu thuật. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng bác sỹ cũng không né kịp nên máu mủ xuyên qua lớp khẩu trang, thấm vào da thịt.

Theo BS. Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K Trung ương, ngay cả ở những nơi được coi là vô trùng cho người bệnh (như phòng mổ), nguy cơ nhiễm bệnh đối với nhân viên y tế cũng rất cao. “Dao kéo làm rách bao tay hoặc kim đâm vào da là chuyện khá phổ biến. Dù đã có phương tiện bảo hộ và áp dụng nhiều biện pháp cách ly song khó có thể tránh được tuyệt đối những rủi ro”, BS. Bảo nói.

BS. Vũ Hải Long bên bệnh nhi H. được ông phẫu thuật

Không dành cho những người yếu tim

Thật ra, với các bác sỹ phẫu thuật nói riêng và nhân viên y tế nói chung, chuyện mùi hay máu mủ trong phòng mổ không phải là áp lực quá ghê gớm. Điều khiến các bác sỹ căng tim, căng óc nhất là những giây phút chiến đấu với tử thần để giành mạng sống cho bệnh nhân.

Cậu bé N.T.H. (14 tuổi, quê Bạc Liêu) trong lúc chơi cùng bạn đã bị một viên bi xe đạp bay thẳng vào họng, xuyên qua nhiều tổ chức mô, xương và nằm kẹt lại ở vùng sàn sọ sau, cách tủy sống một khoảng đúng bằng bề dày của một tờ bìa cứng. Cậu bé được chuyển đến nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhưng vẫn chưa có bác sỹ nào nghĩ ra phương án cứu bệnh nhân vì lấy hay không lấy viên bi ra cũng dẫn nạn nhân đến chỗ chết. Cuối cùng, em được chuyển đến BV Nhân dân 115. Trước trường hợp của cậu bé, BS. Vũ Hải Long - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhân dân 115, khẳng định: “Tôi có thể làm được”. Để nói được một cách quả quyết như thế, BS. Long đã nghiên cứu nhiều tài liệu, kỹ thuật, vật dụng để ca phẫu thuật nội soi diễn ra an toàn và khả năng thành công cao nhất.

Viên bi sắt ở vùng sọ sau của H. trước khi mổ

Suốt gần 2 giờ, những dụng cụ nội soi chậm chạp tiến vào cơ thể cậu bé theo đường mũi. Các bác sỹ ở Khoa Ngoại thần kinh phải đứng chờ sẵn vì ranh giới sinh tử được tính từng giây, từng phút. “Rất lâu sau khi bắt đầu mổ, tôi nhìn thấy viên bi. Trong người cảm thấy nhẹ hẳn đi. Vậy là đi được nửa chặng đường. Chặng đường đem viên bi ra còn dài hơn nhưng tôi không thấy mệt. Mổ xong, tôi mới biết mình đã đứng suốt 4 giờ và nhớ ra mình… chưa ăn sáng. Hôm đó, ca phẫu thuật phải bắt đầu vào sáng sớm, sớm hơn dự kiến khoảng 1 giờ nên tôi đến bệnh viện là vào làm luôn”, BS. Long nhớ lại và cho biết chỉ sau đó vài ngày, cậu bé H. đã phục hồi và xuất viện, trên mặt không một dấu tích.

Điều quan trọng giúp ca mổ thành công chính là sự phối hợp nhịp nhàng của ekip mổ có khi lên đến hàng chục người. Tuy bịt kín mặt, trang phục giống nhau nhưng chỉ cần bằng ánh mắt, người phụ trách dụng cụ cũng hiểu được phẫu thuật viên chính cần lấy dụng cụ gì.

Khi phẫu thuật viên chính bước vào phòng mổ thì những công đoạn như sát trùng vùng mổ, gây mê đã được ekip gây mê, điều dưỡng viên, bác sỹ phụ mổ hoàn tất. Lâu nay, trước một ca mổ, hầu hết mọi người chỉ để ý đến bác sỹ phẫu thuật nhưng phía sau mành vải che bệnh nhân là cả một ekip gây mê hồi sức đang căng thẳng theo dõi sinh hiệu cơ thể đo trên máy, tiêm thuốc và truyền dịch cho bệnh nhân... Dù họ không trực tiếp cầm dao mổ nhưng góp những phần rất quan trọng trong việc giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn