Mùa Thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm, gắn liền với sự mát mẻ, tiết trời dễ chịu, không quá lạnh hay quá nóng. Tuy nhiên, với nhiều người đây là lúc cơ thể dễ ngã bệnh nhất.
Trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+, bác sĩ chuyên khoa nhi Đỗ Anh, cho biết mặc dù thời tiết mùa Thu được coi là giai đoạn dễ chịu nhất trong năm nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt với trẻ em.
Trong đó phổ biến nhất là bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn (hen phế quản). Nguyên nhân gây bệnh thường do sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, khói bụi, ô nhiễm môi trường, nồng độ phần hoa cao, nấm mốc...
Theo bác sĩ Đỗ Anh, viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm lớp lót (niêm mạc) trong mũi và hầu họng. Tình trạng viêm làm cho lớp lót này trở nên nhạy cảm bất thường và có thể bị kích ứng bởi các dị nguyên như mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa, nấm mốc… Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện khi tiếp xúc với dị nguyên từ vài giây cho đến vài phút, thậm chí là vài giờ hoặc vài ngày. Các biểu hiện phổ biến như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi họng, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt…
Còn với hen suyễn (hen phế quản) là một tình trạng viêm nhiễm mạn tính đường thở. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản của người bệnh vốn rất nhạy cảm sẽ phản ứng một cách dữ dội, biểu hiện bởi các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và tức ngực. Cơn hen đó có thể tự kết thúc hoặc sau khi dùng thuốc cắt cơn hen, sau đó người bệnh xuất hiện tình trạng ho và bật đờm ra ngoài. Tính chất đờm của hen phế quản thường rất quánh đặc, dính trắng.
Viêm mũi dị ứng và hen phế quản đều thuộc nhóm bệnh dị ứng đường hô hấp. Vì thế, hai bệnh này có mối quan hệ mật thiết, thường xuất hiện với nhau. Một số nghiên cứu cho thấy, 80% bệnh nhân hen có viêm mũi dị ứng và 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen suyễn.
Lưu ý rằng, triệu chứng của hen suyễn có thể che đậy triệu chứng viêm mũi dị ứng, vì thế nếu trẻ bị hen suyễn, nên kiểm tra xem có bị viêm mũi dị ứng hay không. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường gặp là: Đau họng thường xuyên, chảy nước mũi, ngứa mũi, khàn giọng, nghẹt mũi thường xuyên mà không có các triệu chứng khác, thường phải thở bằng miệng (đặc biệt lúc ngủ) và hay gặp ở trẻ em, ngủ thường hay ngáy, rối loạn giấc ngủ...
Viêm mũi dị ứng có thể làm cho việc kiểm soát hen suyễn trở nên khó khăn hơn. Điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng có thể làm giảm cơn hen suyễn và giúp cho phổi làm việc tốt hơn. Viêm mũi dị ứng đặc biệt là khi bị nghẹt mũi rất dễ làm mất ngủ và mất ngủ lại gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó dễ bị lên cơn hen.
Để kiểm soát cơn hen suyễn và viêm mũi dị ứng cho trẻ, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần chủ động phòng ngừa các tác nhận gây khởi phát bệnh như khói bụi, phấn hoa, mạt nhà, thức ăn gây dị ứng, lông chó mèo, nấm mốc... Nếu triệu chứng nặng, nhiều dị nguyên, phơi nhiễm kéo dài, khó kiểm soát từ môi trường cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân hen cần được điều trị bằng các thuốc ngừa cơn, cắt cơn. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần rửa mũi, sử dụng thuốc xịt mũi, thuốc kháng dị ứng.
Liên quan đến biện pháp tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu mức độ nặng của bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn, bác sĩ Đỗ Anh khuyến cáo cha mẹ nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài. Điều này giúp trẻ tránh tiếp xúc với ô nhiễm môi trường, khói thuốc, đặc biệt là những nơi có nguy cơ lây nhiễm virus.
Một sai lầm mà nhiều người mắc phải đó là khi trẻ bị viêm mũi dị ứng và hen suyễn thì buộc trẻ ở trong nhà, không tham gia vận động thể lực. Tuy nhiên nếu không khí trong nhà không được vệ sinh sạch sẽ khiến các triệu chứng hen của trẻ nặng hơn.
“Các phòng trong nhà chúng ta cần mở cửa ít nhất 1-2 tiếng mỗi ngày để đón ánh nắng mặt trời, hạn chế nấm mốc, bụi bẩn. Hãy đặt máy lọc không khí trong phòng và khuyến khích trẻ vận động ở môi trường trong lành, điều này sẽ giúp con có một hệ thống hô hấp và tim mạch khỏe hơn”, bác sĩ Đỗ Anh gợi ý.
Thời gian hoạt động thể chất của trẻ có thể linh động hơn người lớn. Vận động buổi sáng và buổi chiều là hai thời điểm tốt nhất. Ví dụ như buổi sáng vận động 30-45 phút một cách nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ tràn đầy năng lượng, ăn sáng ngon hơn, tinh thần vui vẻ, lạc quan và học tập tốt suốt cả ngày. Còn buổi chiều nên cho trẻ vận động sau 18 giờ. Với các trẻ từ 3-6 tuổi, thời gian hoạt động thể chất là 3 tiếng mỗi ngày. Trong đó, có ít nhất 1 tiếng là phải vận động ở mức vừa, tức là trẻ phải có nhịp tim nhanh, vã mồ hôi.
Như vậy, bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn là bệnh lý của đường hô hấp, là hậu quả của tương tác giữa gene và môi trường. Để phòng ngừa hai bệnh này, người bệnh cần giảm tiếp xúc các yếu tố kích thích. Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng cần điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm và tránh bệnh chuyển sang hen.
Bình luận của bạn