Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), được thành lập theo Quyết định số 13/QĐ-TPCN ngày 12/9/2008 của Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam. Với vai trò là cơ quan khoa học và công nghệ của VAFF, Viện Thực phẩm chức năng có chức năng nghiên cứu khoa học; Tập hợp, đào tạo và phát huy tài năng sáng tạo khoa học; Đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; Triển khai thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật chuyên ngành.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng, nguyên là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, sự ra đời của VIDS là xu hướng tất yếu trước sự tăng trưởng của ngành thực phẩm chức năng (TPCN).
Nhấn mạnh về nhiệm vụ của VIDS, Viện trưởng Nguyễn Thanh Phong cho hay, ngoài nghiên cứu khoa học, Viện còn tham gia công tác đào tạo để đưa các tiến bộ khoa học như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng vào thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của Viện có thể được ứng dụng ngay vào sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, Viện Thực phẩm chức năng cũng thực hiện kiểm nghiệm, đánh giá các tác dụng của sản phẩm, làm căn cứ công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Từ khi hoàn thành Giai đoạn I Trụ sở Nghiên cứu và Kiểm nghiệm của Viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, các trung tâm và xưởng thực nghiệm trực thuộc đã hoạt động tích cực trong nghiên cứu, kiểm nghiệm và mang lại những sản phẩm chăm sóc sức khỏe có hàm lượng chất xám cao đến tay người sử dụng.
Trong thời gian tới, VIDS tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, các hội viên và doanh nghiệp trong lĩnh vực. Viện trưởng Viện thực phẩm chức năng đưa ra mục tiêu, Trung tâm Kiểm nghiệm trực thuộc VIDS cần được chỉ định lại là cơ quan kiểm nghiệm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Trước đó, năm 2018, Trung tâm Kiểm nghiệm được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y Tế chỉ định là cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong thời hạn 3 năm. Đến nay Trung tâm vẫn duy trì hoạt động thử nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017, đây là căn cứ xác đáng để hỗ trợ cơ quan chức năng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm cần tiếp tục mở rộng các phương pháp thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng, mở rộng hợp tác quốc tế với các phòng kiểm nghiệm trong khu vực và trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu bào chế cần đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp bào chế hiện đại, nhằm khai thác tối ưu các hoạt chất thiên nhiên, nâng cao công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trước hết, cần lưu ý rằng thực phẩm chức năng được bào chế với quy trình tương tự như bào chế thuốc, tuân thủ quy định nghiêm ngặt từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến phương pháp bào chế và đặc biệt là các phụ gia sử dụng. Tuy nhiên, vì là thực phẩm, sản phẩm cần chú trọng đến mùi vị, hình thức. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp bào chế để giảm thiểu mùi khó chịu của một số thành phần nguyên liệu tự nhiên.
Trên thế giới, lĩnh vực này đã được nghiên cứu rất hiệu quả và Viện Thực phẩm chức năng cần học hỏi từ những kinh nghiệm này. Đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho trẻ em, chẳng hạn, có thể thêm vị ngọt dễ uống hoặc điều chỉnh giảm mùi hắc từ các loại tinh dầu. Điểm thuận lợi của VIDS là có các công ty là thành viên của Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ về cơ sở vật chất để thử nghiệm, hợp tác phát triển các dạng bào chế ưu việt hơn.
Công ty TNHH MTV Chứng nhận chất lượng Asiacert đã hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng của Viện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2018. Trong thời gian tới cần duy trì chức năng và phổ biến rộng hơn các chứng nhận mà Công ty cung cấp.
Với đội ngũ ban lãnh đạo và cố vấn là các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học hàng đầu, VIDS còn hợp tác, hỗ trợ các cơ quan quản lý như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y Tế trong việc phát triển ngành TPCN bền vững.
Bình luận của bạn