Việt Nam được WHO chọn để tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA

Vaccine mới theo công nghệ mRNA do WHO phối hợp với các nhà khoa học tại Nam Phi phát triển

Khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine COVID-19 cho trẻ em

Bộ Y tế nói gì về tình trạng khan hiếm và biến động giá kit test nhanh COVID-19?

Giám đốc BV Nhi Trung ương tư vấn cách chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà

Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 có mặt tại nhà thuốc, giá ra sao?

Ngày 23/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố thêm 5 nước gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi. Các nước được WHO lựa chọn phải qua được vòng tuyển chọn, bằng cách chứng minh được khả năng sau khi tiếp nhận đào tạo công nghệ sẽ triển khai được việc sản xuất khá nhanh dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng và khả năng sản xuất có sẵn.

Ngoài ra, WHO cũng công bố thiết lập Trung tâm Đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu tại Hàn Quốc nhằm cung cấp đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình, thúc đẩy sản xuất dược phẩm ở trong nước.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì buổi công bố - Ảnh: MOH

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì buổi công bố - Ảnh: MOH

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Một trong những rào cản chủ yếu đối với chuyển giao công nghệ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và hệ thống quản lý yếu kém." Ông Ghebreyesus cho rằng, việc chuyển giao và đào tạo những kỹ năng đó sẽ đảm bảo rằng các nước có thể chủ động trong sản xuất các sản phẩm y tế cần với tiêu chuẩn chất lượng tốt mà không cần chờ đợi cung ứng từ các nước khác.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ niềm vui mừng về việc Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ mRNA. "Điều này cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ niềm vui mừng - Ảnh: MOH

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ niềm vui mừng - Ảnh: MOH

Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vaccine quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vaccine mRNA phòng COVID-19 và các bệnh khác trong tương lai.

Ngoài ra, việc nhận chuyển giao công nghệ này cũng sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực.

Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 9 loại vaccine COVID-19 đã được phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), SputnikV (Viện Nghiên cứu Gamaleya), COVID-19 vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer-BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm), Hayat-Vax (CNBG), Abdala (AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) - Cuba) và Covaxin (Bharat Biotech International Limited - Ấn Độ).

Tuy nhiên, chỉ có 2 loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA là Comirnaty (Pfizer-BioNTech) và Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna). Đây cũng là 2 loại vaccine được công nhận sử dụng để phòng ngừa COVID-19 khá sớm.

Hiện nay, trong số 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam, có 1 loại vaccine duy nhất là VBC-COV19-154 dựa trên công nghệ mRNA. Đây là vaccine do Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Tập đoàn VinGroup) tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ để mua công nghệ và sản xuất vào tháng 8/2021.

Vaccine ARCT- 154 được phát triển trên cơ sở vaccine ARCT- 021 (đã có các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2 và 3 ở Mỹ và Singapore). Các kết quả bước đầu cho thấy vaccine ARCT-154 an toàn trên người tình nguyện khoẻ mạnh. Hiện vaccine này đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng gối giai đoạn 2 và 3a. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm nay.

 
Nguyễn An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin