Empty
Empty
Empty

Khi tôi nói về viết như một liệu pháp duy trì sức khỏe, những ông bạn lâu năm của tôi ngay lập tức cười và kêu lên: “Tất nhiên. Ông là nhà báo mà!” Nhưng tôi không nghĩ vậy.

Tỷ phú người Anh nổi tiếng là Richard Brandon, khi còn nhỏ mắc bệnh “rối loạn kỹ năng đọc” và thay vào đó ông thường xuyên viết. Ông bỏ học năm 15 tuổi và thành lập một tạp chí học sinh và viết chính cho tờ báo này. Sau này khi đã thành đạt, ông vẫn mang theo mình một cuốn sổ tay bỏ túi và ghi chép bất cứ gì ông cần. Hiện nay đã qua tuổi 70, ông vẫn giữ thói quen đó.

Theo ông, cũng như nhiều bậc trí giả khác như nhà văn Mark Twain, Leo Tolstoy, George Sand…, đầu tiên, cái gì mà tuổi già sợ nhất? - Chết? - Không, vì chết trẻ mới sợ, chứ chết già thì sợ gì. Đau? - Cũng không, vì đã có thuốc giảm đau, kể cả morphine. Vậy cái mà người già sợ nhất? - Đó chính là chứng “mất trí nhớ, tạm thời hay lâu dài. Viết là cách ngừa chứng “mất trí nhớ tuổi già” tốt không ngờ. (Khi viết bài báo này, chủ yếu về những trải nghiệm cá nhân, tuy vậy, tôi cũng tham khảo một vài tài liệu nghiên cứu liên quan để khả dĩ có thể tránh những sai lầm chủ quan ngớ ngẩn hoặc “lạc quan tếu”.)

Empty

Bạn có thể bỏ qua tầm quan trọng của việc thường xuyên ghi nhật ký hoặc blog hoặc những trải nghiệm cá nhân, nhưng nó có thể có tác động vô cùng lớn. Với các thiết bị thông minh hiện nay, nếu chỉ dán mắt vào điện thoại hoặc màn hình tivi mà không thực hành một số kỹ năng viết hoặc ghi chú, thì có thể lãng phí.

Hiện nay, tôi cảm thấy yêu đời, thích sống lâu hơn chút, không phải vì những “hạnh phúc giả tạm” (theo Đức Phật) mà tôi hoàn toàn có thể được hưởng, mà vì đơn giản là tôi có thể VIẾT trên bất cứ thiết bị nào: giấy, màn hình điện thoại hay màn hình tivi thông minh. Thật thú vị khi tôi có viết vài từ (ví dụ: bóng đá nữ hay women football) yêu cầu xem lại một trận thắng của đội bóng đá nữ mà tôi yêu thích ứng dụng Youtube trên thiết bị truyền hình.

Empty

Những người trên 60, ở Việt Nam là tuổi về hưu, thường lại có nhiều kế hoạch cho giai đoạn cuối cuộc đời. Tưởng đơn giản, nhưng thật ra, cũng rất phức tạp, khi trí nhớ bắt đầu “trò chơi trốn tìm” với tuổi. Do vậy, việc ghi lại (những suy nghĩ và lịch hàng ngày) lên giấy là điều cần thiết để tăng khả năng nắm giữ và tổ chức của trí óc. Điều này phải được luyện tập để hình thành thói quen ghi nhanh những thông tin cần thiết. Trong trường hợp cá nhân của mình, tôi dùng hai hình thức ghi nhanh: một ghi lên giấy và hai ghi trên apps “Notes” của Iphone. Dưới đây là một vài lý do tại sao việc viết hay ghi chép trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của người cao tuổi lại rất hữu ích cho sức khỏe một cách không ngờ.

Theo một tài liệu y học trên mạng Lancet.com, bộ não sản xuất endorphin hoạt động như một chất tăng cường lòng tự trọng - việc ghi lại những ý tưởng và ký ức tuyệt vời đã được chứng minh là có thể làm tăng sự tự tin cá nhân. Bằng cách viết ra những suy nghĩ, thành tựu hoặc câu chuyện sáng tạo, nhiều người cảm thấy tự hào và đánh giá cao về mình. Ghi chép hàng ngày như vậy không đòi hỏi một trình độ học vấn cao như cử nhân, thạc sỹ hay tiến sỹ. Chỉ cần bạn biết viết, biết đọc là được. Lưu ý rằng điều này hoàn toàn khác với việc bạn khuyên con hay cháu bạn không được “nghiện” màn hình. Một buổi tối khi tôi từ một nhà hàng tiệc cưới trung tâm thành phố HCM bước ra để đón xe Grab (taxi công nghệ) loay hoay xem màn hình để kiểm tra số xe, thì người tài xế còn rất trẻ nói ngay: “Wow, chú tự gọi xe sao?” - Vâng. “Chà, chú giỏi quá. Nhưng lần sau chú nên nhờ người khác gọi vì chú dễ bấm nhầm điểm đón và điểm đến, và phí…” . Buồn năm phút, nhưng tôi nghĩ, người lớn tuổi nên tập lại những kỹ năng mà mình có thể, hơn là chỉ mong phụ thuộc con cháu, và người trẻ nói chung.

Empty

Trở lại việc viết hay ghi chép hàng ngày: Có những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, mà bạn nên ghi lại như chiến thắng trong trò chơi, một chuyến dã ngoại cuối tuần với nhóm bạn cũ hoặc bạn vừa có một đứa cháu (nội, ngoại) kháu khỉnh... Tất cả các khoảnh khắc đều làm cho bạn hạnh phúc và bạn nên ghi xuống những gì bạn cảm thấy. Mới đây, tôi có gặp một ông bạn già kiến trúc sư tại một quán cà phê, và khoe với ông tôi đang hẹn nhóm bạn cũ hồi trung học cà phê, thì ông hỏi ngay: Có đọc thơ không? Té ra, ông kiến trúc sư nghĩ người già gặp nhau sẽ đọc thơ nhiều hơn nói chuyện. Cũng đúng, nhiều ông bạn của tôi, học khoa học công nghệ hay toán, nhưng khi về hưu, lại làm thơ.

Theo tài liệu mà tôi trích dẫn trên đây của tạp chí y học uy tín Lancet.com thì chất endorphin là phần thưởng cao quý của bộ não thần kỳ của chúng ta. Nhưng nó chỉ kích hoạt khi con người có hành động Viết thường xuyên.

Điều này quan trọng đối với tâm hồn vì nó sẽ thúc đẩy lòng tự trọng và sự tự tin.

Empty

Khi chúng ta già đi, việc có kỷ luật và thói quen hàng ngày/hàng tuần có thể ngày càng có giá trị. Đặc biệt đối với những người đã nghỉ việc, điều tối quan trọng là phải giữ cho tâm trí hoạt động và gắn bó trong suốt những năm sau khi nghỉ hưu. Dù lịch hàng ngày có thay đổi thế nào, tôi vẫn cố gắng duy trì việc ghi lên một tấm bảng nhỏ đối diện trước bàn ăn: ghi chỉ số huyết áp ngay khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Bác sỹ khuyên một lần và thời gian đầu thật khó khăn biết bao! Tất nhiên rất nhiều ngày tôi quên đo và ghi huyết áp trước khi ngủ, đơn giản là thường giờ đó huyết áp ổn so với buổi sáng (trong trường hợp của tôi). Thật ra việc đo và ghi này cho tôi nhiều tự tin hơn và giúp rèn bộ não nhớ những gì đã được “lập trình”. Đó cũng là một hành động “viết hàng ngày”.

Giữ một hành trình cá nhân là một cách có giá trị để cho tâm trí hoạt động và xây dựng một thói quen hàng ngày hoặc thói quen viết. Thật ngạc nhiên là làm thế nào mà chữ viết cũng có thể định hình các khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta. Cho dù lịch hẹn giao tiếp với bạn bè/gia đình, tìm ra một công thức mới hay quản lý các khoản đầu tư, tất cả đều cần đến văn bản hay ghi chép. Đó là một loại trật tự hay kỷ luật có thể giúp người lớn tuổi hạn chế bệnh mất trí nhớ tạm thời (dementia).

Empty
Empty

Điều đáng chú ý là việc viết lách thường không được chú trọng, khi bạn bước vào tuổi xế chiều, hoặc viết lách chỉ là công việc của những trí thức. Thật ra, viết thường xuyên có rất nhiều lợi ích, dù ở bất cứ tuổi nào, bất cứ trình độ hay nghề nghiệp nào. Viết thường xuyên sẽ giúp bộc lộ quan điểm sống tích cực, và người viết sẽ gặt hái được thành quả không ngờ.

Empty

Mới đây một người bạn của tôi, là một giáo sư đã nghỉ hưu tại trường kinh doanh Daniels, thuộc đại học Denver (Daniels college of business, University of Denver), email cho tôi than phiền rằng bây giờ trí nhớ ông trở nên mù mờ, và bàn tay không thể gõ bàn phím hay cầm viết… Ông rơi vào trầm cảm. Tôi chỉ có một chọn lựa duy nhất là khuyên ông câu mà ông từng khuyên các sinh viên của ông: Học không bao giờ quá muộn (cho dù bạn đã lấy bằng tiến sỹ khi còn trẻ). Cho dù ai đó có thường xuyên viết trong cả cuộc đời của họ hay không, thì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập viết lại. Để duy trì và tiếp tục cải thiện khả năng giao tiếp và đánh giá, hãy cân nhắc viết nhiều hơn. Nếu ai đó quên từ ngữ để diễn đạt bản thân, việc viết ra các ý tưởng sẽ trở nên rất quan trọng. Điều này sẽ làm tăng năng lực tư duy và khả năng nhận biết và ghi nhớ các ý tưởng, cảm xúc và những suy nghĩ khác.

Trong khi tôi đang viết bài báo này, thì một giáo sư trẻ, hiện nay là giám đốc một trung tâm nghiên cứu về địa chính trị, gửi cho tôi bài báo chưa công bố của một tác giả mà tôi quý trọng. Bài khá dài và công phu. Tuy nhiên khác với quan điểm của cá nhân tôi. Tôi đọc đi đọc lại và cuối cùng, nghĩ rằng: có lẽ trong hành trình đến dãy núi cuối cùng, nhà trí thức này, đang “tập” viết trở lại và cách tốt nhất là tự phản biện với chính các quan điểm trước đây của mình, nhưng lại của “đại đa số” hiện nay. Ông đang tập lại cách tư duy phê phán.

Sử gia chuyên nghiên cứu về lịch sử loài người, Yuval Noah Harari, cho rằng từ xa xưa viết là một khả năng giúp con người tổ chức xã hội, giúp con người trở nên thông minh hơn. Theo Harari, viết cũng cho con người khả năng tổ chức toàn xã hội theo kiểu thuật toán . Chúng ta sẽ phải dùng thuật toán khi chúng ta đã hiểu thế nào là cảm xúc và cách mà bộ não hoạt động và giải những bài toán, các vấn đề, để đi tới các quyết định.

Empty

Viết những gì mình nghĩ ra giấy sẽ giúp thu thập và hình dung các ý tưởng và ký ức hiệu quả hơn là nói bằng lời nói. Việc quên từ và tự hỏi những gì mà bạn có thể nói sẽ được giảm bớt bằng cách viết các ý tưởng ra giấy. Trong trường hợp của mình, hiện nay, sáng nào tôi cũng dành ít nhất 30 phút để xem lướt các đài truyền hình lớn trên thế giới như CNN (Mỹ), BBC (Anh), DW (Đức), NHK (Nhật), CNA (Singapore) và ghi ra giấy những đề mục mà tôi quan tâm trong ngày, ví dụ như hôm nay (28/7/2022) ghi: “Biden negative”. Không có nghĩa là ông Biden tiêu cực, mà khi xem lại trí nhớ của tôi sẽ sáng lên khi nhận biết “negative” là ông tổng thống nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) đã xét nghiệm âm tính sau ba ngày bị nhiễm. Sau đó ông lại “positive” như một trường hợp tái nhiễm (rebound case). Sợi dây liên tưởng giữa các từ như các dãy đèn: bóng này sáng lên sẽ kích hoạt cái khác sáng theo… Đó cũng là cách mà tôi “tập thể dục” bộ não trong điều kiện có thể, ở tuổi thất thập của mình.

Ghép hành động viết với tư duy phản biện giúp hỗ trợ và tăng cường khả năng suy luận cho người cao tuổi. Người ta thấy rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa viết và nói. Điều này có nghĩa là nếu bạn viết tốt, bạn có thể nói tốt hơn. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để nhớ lại điều gì đó nếu bạn đã viết nó trước khi nói. Bạn có tin rằng, tôi - một ông già trên 70, từng là giám đốc một đài truyền hình và chủ bút một tờ báo, một thầy giáo trung và đại học, vẫn tập viết các câu tiếng Anh và đọc lớn mỗi buổi sáng. Vợ tôi mới phê phán “khẩu hình rất tệ” của tôi khi nói trước các bạn hiện nay. Bà nói: “Ông nên soi gương và tập nói trước mỗi lần muốn nói điều gì…”. Có chuyện gì vậy, trời? Cuối cùng, soi gương lại tôi thấy mình “chu” môi hay “kéo” môi khi nói - thói quen mà tôi không có khi còn trẻ. Phải tập nói (tốt nhất là đọc vài điều mới ghi được) lại thôi, trước gương mỗi sáng, sau khi đánh răng! Thảo nào, giáo sư Tề Lập Quốc, bậc thầy của y học Trung Quốc, nói: “Viết hàng ngày, đối với người cao tuổi, không phải là viết, mà là lau bụi cho một tấm gương.”

Empty

Tháng 6/2022 tôi bị cảm và bác sỹ đề nghị tôi nhân tiện nội soi luôn tai, mũi, họng (một đề nghị tuyệt vời) và trong các chỉ số đẹp, có chỉ số về sợi thần kinh phát âm trong cổ họng (Nhận xét của bác sỹ nội soi: “Thanh quản ở tuổi chú như vậy là rất tốt rồi!”). Tất nhiên không ai kết luận là do tập đọc tiếng Anh hàng ngày, nhưng tôi cảm thấy phấn khích tiếp tục “childish game” đó.

Empty
Empty

Viết giúp hỗ trợ thể chất tinh thần cho người lớn tuổi vì nó góp phần nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc. Đối với các thành viên cao tuổi trong gia đình, đôi khi có thể là một thách thức để giao tiếp và thể hiện bản thân một cách hiệu quả. Khả năng tương tác tốt với người khác sẽ được cải thiện. Sau khi viết ra, họ hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình. Điều này sẽ làm tăng cảm giác thân thuộc và có thể liên hệ với những người khác. Viết lách là điều cần thiết vì họ sẽ có thể tự chủ tốt hơn. Hiệu ứng tổng thể sẽ là một bầu không khí có lợi hơn.

Ngoài việc hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đềm, viết lách còn như một phương tiện để trút bỏ và thậm chí giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Viết để giảm bớt căng thẳng có thể giúp có một cuộc sống lành mạnh hơn, không chỉ về tinh thần mà còn cả về thể chất. Vào những đêm mất ngủ, tôi thường dậy, ngồi vào bàn viết, đọc một vài trang sách (chuyện vui chẳng hạn) hay thơ, và sau đó viết ra giấy bất cứ cái gì thoáng qua trong đầu. Nhờ vậy, thấy dễ chịu, và sau đó có thể ngủ lại. Hoặc nếu không ngủ lại, vẫn dễ chịu hơn. Hiệu quả không ngờ.

Dù viết bằng bút hay bàn phím, hành động cố ý ghi lại một ý nghĩ đều có giá trị cho sức khỏe. Viết có thể đóng vai trò như một bài tập trí óc, một cơ chế kích thích não bộ …

Empty

Vì bộ não của chúng ta luôn phát triển và thích nghi, điều này tạo nên khả năng viết liên tục tiến bộ và thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto thậm chí còn phát hiện ra rằng bán cầu não trái và phải sẽ tăng khả năng giao tiếp, nếu chúng ta có thể viết thường xuyên khi bước vào “tuổi hoàng hôn” hay “cận hoàng hôn”.

Empty

Hiện nay sáng nào, tôi cũng cố gắng duy trì viết 30 phút trước khi ra công viên đi bộ và tập thở. Tôi thử không viết một hai ngày thì cảm thấy con người mệt mỏi, thiếu năng lượng và kém vui vẻ (ngay cả thời gian đi du lịch với gia đình hay bạn bè tôi cũng tranh thủ viết trên iphone hoặc chụp ảnh để nhớ lại ý tưởng khi về nhà).

Khi viết, tôi thấy công việc và suy nghĩ trở nên hợp lý và hiệu quả hơn. Viết kích hoạt các tế bào thần kinh trong não của bạn, sau đó giúp bạn hoàn thành các nhiệm vụ khác. Tương tự, nếu bạn viết ra các mục tiêu của mình, bạn có nhiều khả năng đạt được chúng hơn. Vào năm 2021, cao điểm đại dịch COVID-19, tôi đã quá tin vào trí nhớ của mình nên “lười biếng” không ghi chép các kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm, nhất là gửi online. Và “tai họa” đến khi tôi đinh ninh là ngày đáo hạn là X… và bấm vào “tất toán”, thế là “toang”. Ngày chính xác đáo hạn là Y…chỉ sau X…một ngày. Việc “không ghi” lịch và không xem lịch, khiến tôi mất đi một khoản lãi không nhỏ. 

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa