Empty
Empty

Chia sẻ với NYTimes, TS. Marcela Uhart - người chỉ đạo chương trình sức khỏe động vật hoang dã Mỹ Latinh tại Đại học California (Mỹ), cho biết, trong 3 thập kỷ nghiên cứu về loài hải cẩu voi (elephant seals), chưa bao giờ cô nhìn thấy cảnh tượng nào giống như cảnh tượng trên các bãi biển ở Bán đảo Valdés của Argentina vào tháng 10 năm ngoái.

Đó là mùa sinh sản cao điểm, bãi biển lẽ ra phải đầy rẫy những con hải cẩu cái xinh đẹp và những con đực to lớn đang tranh giành quyền thống trị với nhau. Nhưng thay vào đó, “bãi biển la liệt xác hải cẩu voi,” Tiến sĩ Uhart nhớ lại.

H5N1 đã giết chết ít nhất 24.000 con sư tử biển (sea lions) Nam Mỹ trong vòng chưa đầy một năm. Bây giờ nó đã đến với hải cẩu voi. Những con hải cẩu con ở mọi lứa tuổi, từ mới sinh tới đã cai sữa nằm chết la liệt trên bãi biển. Những con bị bệnh thì nằm yên một chỗ, miệng mũi sùi bọt. Tiến sĩ Uhart gọi đó là “hình ảnh từ địa ngục”.

Trong những tuần sau đó, tiến sĩ Uhart và một đồng nghiệp đã cẩn thận ghi lại sự tàn phá. Những gì họ tìm thấy thật đáng kinh ngạc: Loại virus này đã giết chết khoảng 17.400 con hải cẩu con, hơn 95% số động vật non trong đàn.

Đây là thảm họa mới nhất trong đợt dịch cúm gia cầm hoành hành khắp thế giới kể từ năm 2020, khiến chính quyền ở nhiều châu lục phải tiêu hủy hàng triệu gia cầm và các loài chim khác. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 90 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy trong nỗ lực vô ích nhằm ngăn chặn virus. Tuy nhiên, chưa có cách nào để ngăn chặn H5N1.

Virus cúm gia cầm H5N1 thường lây trong các loài chim hoang dã, nhưng cũng có thể lây cho các động vật khác, như sóc, chồn hôi, cá heo mũi chai, gấu Bắc cực và gần nhất là bò sữa.

Empty

Con đường lây nhiễm của chủng cúm gia cầm H5N1 tại châu Mỹ đã kéo dài từ tháng 12/2021. Đây là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của chúng cúm này tại Bắc Mỹ.

Tháng 12/2021, virus cúm gia cầm H5N1 được phát hiện tại một trang trại ở St. John's, Newfoundland và trong một con mòng biển hoang dã bị bệnh gần đó. Hàng trăm gia cầm trong trang trại bị chết, số còn lại bị tiêu hủy. Những loài chim di cư có thể đã mang virus từ châu Âu đến Newfoundland qua Iceland hoặc Greenland. Hoặc những loài chim biển tụ tập ở phía bắc Đại Tây Dương có thể đã mang virus vào bờ khi chúng quay trở lại Newfoundland để sinh sản.

Tháng 1/2022, lần đầu tiên Hoa Kỳ phát hiện H5N1 ở các loài chim hoang dã ở Bắc và Nam Carolina. Và đến mùa hè năm 2022, hàng trăm hải cẩu cảng (harbor seals) và hải cẩu xám đã chết dọc theo bờ biển Maine và Cửa sông St. Lawrence ở Quebec (Canada). Hải cẩu có thể đã bị nhiễm bệnh do sống gần hoặc ăn thịt chim ốm và chết.

Bước vào mùa thu năm 2022, virus di chuyển từ phía tây qua Hoa Kỳ và Canada, tiếp tục lây lan về phía nam đến Mexico và Colombia, rất có thể là do các loài chim di cư đang trên đường bay qua Thái Bình Dương.

Đến tháng 11/2022, H5N1 lan đến Peru, khiến bồ nông chết hàng loạt dọc bờ biển và bắt đầu lây lan sang các loài chim và động vật có vú ở biển khác.

Đầu năm 2023, hàng nghìn con sư tử biển chết ở Peru và Chile, đây là trường hợp sư tử biển chết hàng loạt sớm nhất do virus. Virus tiếp tục lây lan dọc bờ biển Chile về phía Cape Horn.

Đến cuối năm 2023, chuỗi lây nhiễm này vòng quanh Cape Horn và di chuyển về phía bắc vào Argentina và Uruguay, giết chết sư tử biển và hải cẩu, cuối cùng đến miền nam Brazil. Đến tháng 10/2023, virus lần đầu tiên xâm nhập vào khu vực Nam Cực. Các loài chim trên đảo Nam Georgia bị nhiễm bệnh, tiếp theo là hải cẩu voi và hải cẩu lông. Chim biển trên quần đảo Falklands cũng bị nhiễm bệnh.

Sự lây nhiễm của H5N1 ở động vật có vú cũng như sự tác động của virus này tới ngành công nghiệp sữa làm dấy lên sự lo ngại. Các chuyên gia cảnh báo, sự thích nghi của loại virus này với động vật có vú làm dấy lên mối lo ngại “lây lan từ người sang người”. “Điều này có nghĩa là, một đại dịch ở con người có thể không tránh khỏi.” TS. Sutton cho biết. Ít nhất, cho đến nay, những thay đổi của virus không có “dấu hiệu” có thể gây ra đại dịch.

Empty

Phiên bản H5N1 hiện đang lan nhanh khắp thế giới xuất hiện ở châu Âu vào năm 2020 và lan nhanh sang châu Phi và châu Á. Nó đã lây lan rộng rãi giữa các loài chim hoang dã, các loại gia cầm và nhiều loài động vật khác. Trước đó, các trường hợp lây nhiễm ở động vật có vú có thể không gây lây nhiễm, ví dụ như một con cáo ăn một con chim nhiễm bệnh và chết. Nhưng những đợt bùng phát gần đây ở các động vật có vú cho thấy, có vẻ như virus H5N1 đã “làm được nhiều việc hơn” so với suy nghĩ của con người.

Malik Peiris, nhà virus học và chuyên gia về cúm gia cầm tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “Tôi nghĩ rằng khả năng lây truyền từ động vật có vú sang động vật có vú là rất có thể”.

Sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Mỹ, trên các loài chim ở Colombia vào tháng 10/2022, virus này đã tràn xuống bờ biển Thái Bình Dương đến Tierra del Fuego, cực nam của lục địa và đến tận bờ biển Đại Tây Dương. Trên đường đi, nó đã giết chết hàng trăm nghìn con chim biển và hàng chục nghìn con sư tử biển ở Peru, Chile, Argentina, Uruguay và Brazil. Những con sư tử biển cư xử thất thường, co giật và tê liệt, những con hải cẩu mang thai bị sảy thai.

Empty

Tại một thời điểm nào đó, có khả năng virus đã tiến hóa để lây lan trực tiếp giữa các loài động vật có vú ở biển. Ở Argentina, cái chết của sư tử biển không trùng với cái chết hàng loạt của các loài chim hoang dã.

Tiến sĩ Pablo Plaza, bác sĩ thú y động vật hoang dã tại Đại học Quốc gia Comahue và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina cho biết: “Điều này có thể gợi ý rằng nguồn lây nhiễm không phải từ những con chim bị nhiễm bệnh”.

Cũng không khó để tưởng tượng làm thế nào virus có thể phát tán ở những loài động vật này. Hải cẩu voi và sư tử biển đều sinh sản thành đàn, tụ tập cùng nhau trên các bãi biển nơi chúng chiến đấu, giao phối và hắt hơi. Hải cẩu voi hắt hơi nhiều trong ngày và mỗi lần chúng đều thải ra những giọt chất nhầy lớn.

Rất khó để chứng minh chính xác cách thức và thời điểm virus di chuyển từ loài này sang loài khác. Nhưng phân tích di truyền ủng hộ giả thuyết rằng các loài động vật có vú ở biển bị nhiễm từ nhau chứ không phải từ chim. Các mẫu virus phân lập từ sư tử biển ở Peru và Chile cũng như từ hải cẩu voi ở Argentina đều có khoảng 15 đột biến chưa từng thấy ở các loài chim; những đột biến tương tự cũng xuất hiện ở một người đàn ông Chile bị nhiễm bệnh vào năm ngoái, 2023.

Có rất nhiều cơ hội để H5N1 truyền từ động vật có vú ở biển sang người. Một con hải cẩu voi đực bị ốm ngồi suốt một ngày rưỡi trên một bãi biển công cộng ở Argentina sẽ mang theo một lượng lớn virus. Ở Peru, các nhà khoa học thu thập mẫu từ xác sư tử biển nằm cạnh các gia đình đang tận hưởng không khí biển.

Nhà virus học Wendy Puryear, Đại học Tufts, nghiên cứu vùng New England, cho biết: “Không có động vật hoang dã nào được chôn cất, đây là lý do khiến virus có thể lây nhiễm sang những con khỏe mạnh và con người.” Ở một số quốc gia Nam Mỹ, chỉ một số ít xác động vật hoang dã được chôn cất, số còn lại vẫn còn trên bãi biển, thối rữa và gom lại thành bãi rác.

Empty

Các nhà nghiên cứu luôn biết rằng, virus cúm rất giỏi biến đổi. Khi hai loại virus cúm lây nhiễm vào cùng một loài động vật, chúng có thể xáo trộn vật liệu di truyền và tạo ra các phiên bản mới.

Hiện chưa rõ chính xác virus H5N1 đã thay đổi như thế nào và ở mức độ nào kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2023 cho thấy sau khi virus H5N1 xâm nhập vào Hoa Kỳ, nó nhanh chóng hòa trộn với các virus cúm khác lưu hành ở đây và biến thành nhiều phiên bản khác nhau - một số nhẹ, một số khác gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng.

Empty

Nhà virus hoc Vincent Munster - Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, người đã nghiên cứu các đột biến của H5N1 với sức khỏe con người, cho biết: “Cho tới nay, sau 20 năm tái tổ hợp, chúng ta đã có một loại virus có thể lây nhiễm cả ở gia cầm và động vật có vú.” Mỗi biến chủng virus mới đều tạo cơ hội cho H5N1 tiếp tục tiến hóa và lây sang người. Và có thể có những biến chủng mới chưa được chúng ta phát hiện ra, cho phép nó vượt qua hàng rào miễn dịch và gây lây nhiễm. Mà ví dụ trực quan là đợt bùng phát cúm lợn năm 2009.

Mặc dù biến chủng đó không dễ lây nhiễm sang người, nhưng có thể có “những đột biến khác mà trước đó không ai biết hoặc nghĩ đến”, Louise Moncla, nhà sinh vật học tiến hóa Đại học Pennsylvania, cho biết.

Tuy nhiên, ngay cả khi virus lây sang người, “Chúng ta có thể không thấy mức độ tử vong như chúng ta lo ngại”, Seema Lakdawala, nhà virus học tại Đại học Emory, cho biết. “Khả năng miễn dịch của con người đối với các chủng cúm mùa sẽ mang lại sự bảo vệ nhất định cho con người trước các biến chủng và nguy cơ biến chứng nặng.”

Không chỉ Hoa Kỳ mà thế giới cũng đã có những chuẩn bị cho một đại dịch cúm, với một số vaccine và thuốc chống virus, nhưng những nỗ lực theo dõi virus của mỗi quốc gia có thể không phát hiện nhanh để triển khai các công cụ đó.

Phải mất vài tuần, các quan chức Mỹ mới biết rằng H5N1 đang lây lan ở bò sữa. Sự bùng phát ở trang trại bò sữa chỉ gây ra một trường hợp nhiễm trùng nhẹ ở người, nhưng các trang trại là mảnh đất màu mỡ để virus lây lan sang các loài - từ mèo sang bò sang lợn và người, theo bất kỳ thứ tự nào.

Nhiều nhà khoa học đặc biệt lo ngại về lợn, loài dễ bị nhiễm cả chủng cúm người và cúm gia cầm, là môi trường hoàn hảo để virus biến đổi gene. Lợn được giết mổ khi còn rất nhỏ và các thế hệ mới hơn, chưa từng bị cúm trước đó, đặc biệt dễ bị lây nhiễm.

Cũng theo các nhà khoa học, nếu H5N1 thích nghi với con người, các cơ quan y tế, các chính phủ sẽ cần phải phối hợp với nhau. Chủ nghĩa dân tộc, cạnh tranh và quan liêu đều có thể làm chậm quá trình trao đổi thông tin quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang phát triển.

Rick Bright, Giám đốc Điều hành của Bright Global Health, một công ty tư vấn tập trung vào việc cải thiện khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, cho biết ở một khía cạnh nào đó, sự lây lan hiện nay ở bò sữa là cơ hội để thực hành. Tuy nhiên, ông nói, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ yêu cầu thử nghiệm tự nguyện đối với bò và không đưa ra kết quả kịp thời và minh bạch như mong muốn. Các chính phủ thường thận trọng, muốn xem thêm dữ liệu nhưng “với tốc độ lây lan nhanh chóng và căn bệnh tàn khốc mà nó có thể gây ra nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta do dự và không kích hoạt đúng thời điểm, chúng ta sẽ lại bị bất ngờ một lần nữa, như đại dịch COVID-19”, Tiến sĩ Bright nói.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý