Xã hội hóa y tế: Giám sát yếu dẫn đến tiêu cực

Đi nhanh, ắt phải xộc xệch

Ông Nguyễn Tiến Quyết - GĐ BV Việt - Đức đã lấy ví dụ việc cách đây 7 - 8 năm, nhờ có xã hội hóa máy chạy thận nhân tạo mà BV Việt - Đức đã có thể chạy thận cho bệnh nhân, và từ đó thực hiện được hàng chục ca ghép tạng như hiện nay. Các lứa máy này, sau thời gian khấu hao, nay đã trở thành tài sản của BV. Hoặc máy chụp cộng hưởng trị giá 5 triệu USD (tương đương với hơn 100 tỉ đồng) duy nhất tại BV hiện nay cũng mua được từ nguồn vay - một cách đầu tư bằng xã hội hóa.

Và đến nay, xã hội hóa y tế vẫn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, bởi những kết quả đạt được đáng khích lệ trong thời gian qua. Như Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá: "Nhờ XHH, ngành y tế đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao ngang tầm thế giới. Người bệnh được hưởng lợi từ việc nâng cao các khả năng chẩn đoán, phát hiện bệnh lý, điều trị bệnh tốt hơn của ngành y tế ... Tuy nhiên XHH cũng đã bộc lộ một số bất cập. Những đơn vị có xảy ra sai sót là do công tác giám sát chưa chặt chẽ, thực hiện quy trình XHH không theo quy định". Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng đã tổng kết: "Trong 10 - 15 năm qua, XHH y tế đã đi rất nhanh, nhưng cái gì chạy nhanh thì hàng ngũ sẽ xộc xệch".


Xã hội hóa y tế đã bộc lộ nhiều bất cập và việc gỡ những bất cập này còn đang mờ mịt do việc giám sát chưa hiệu quả.

Giám sát chưa chặt, kiểm tra chưa nghiêm?

Vậy thì việc quản lý việc xã hội hóa như thế nào, đâu là cơ chế để công ra công - tư ra tư, để tránh được việc như ông Tuấn nói: Đã có những GĐ BV phải ra tòa vì thực hiện sai chủ trương XHH? Những nội dung báo chí phản ánh gần đây: Việc lãnh đạo BV Bình Dân (TPHCM) bắt tay với các Cty đưa máy móc vào BV, tận dụng nhân lực, cơ sở hạ tầng sau đó ăn chia riêng; hay tại BV Chấn thương chỉnh hình có tình trạng ăn cắp giờ công, lấy phòng mổ cấp cứu để mổ dịch vụ đã được đưa ra chấn vấn trong buổi giao lưu.

Ông Nguyễn Văn Tiên đề xuất: "Kinh nghiệm quốc tế là xây riêng một khu phục vụ bệnh nhân có điều kiện kinh tế bằng máy móc xã hội hóa để minh bạch, tránh tình trạng mập mờ, ăn cắp giờ công như vậy". Tuy nhiên, theo ông Quyết thì điều này nếu có thành hiện thực ở VN cũng phải 20 - 30 năm nữa.

Ông Tuấn khẳng định: "Các văn bản quy định của Bộ Y tế về trình tự thực hiện xã hội hóa đều đã có, điều còn lại là các BV có nghiêm túc thực hiện hay không. Những vụ việc tiêu cực liên quan đến XHH y tế mà báo chí đề cập đều cho thấy vai trò tham gia của Ban GĐ BV trong các "phi vụ" đó. "Người" thực hiện các kiểm tra, giám sát quy trình XHH ở các BV là ai, đó chính là cơ quan cấp trên của các BV: Là Bộ Y tế và ở địa phương là các lãnh đạo tỉnh/TP. Nhưng thời gian qua, vai trò giám sát của các cơ quan này đối với việc XHH y tế đã thể hiện mờ nhạt, nếu không nói là thiếu hiệu quả.

Chỉ lấy ví dụ hiện tượng máy móc nhà nước hỏng thì đắp chiếu, còn máy móc XHH thì được sửa rất nhanh mà công luận đã nhiều lần phản ánh. Ông Tiên cho biết: "Qua giám sát tại một số tỉnh/TP, hiện tượng này là có thật. Lý do là ở các cơ quan nhà nước, mọi chi tiêu phải theo Luật Ngân sách, để sửa máy móc việc làm các thủ tục hành chính liên quan có thể mất hằng tháng, thậm chí hằng năm trời. Điều đó làm cho máy móc nhà nước nhiều khi sử dụng, và sửa chữa đều không hiệu quả".
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin