Y tế tuần: Bệnh viện Da liễu TP.HCM có tân Giám đốc

BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thuý nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM - Ảnh: Báo Người Lao Động

Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt, có mưa dông cuối ngày

Tổ chức Y tế Thế giới mở rộng định nghĩa “bệnh lây truyền qua không khí”

Bộ Y tế họp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Bộ Y tế tổ chức hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hồng” năm 2024

Bệnh viện Da liễu TP.HCM có tân Giám đốc

Sáng 16/4, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện. Tại buổi lễ, BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu (Hạng I) trực thuộc Sở Y tế đã được trao quyết định giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy (sinh năm 1978) đã trải qua nhiều nhiệm vụ, cương vị khác nhau tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM như Bí thư Đoàn Thanh niên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Phó Giám đốc bệnh viện.

Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an) giữ chức Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang

Đại tá Hồ Văn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang trong thời gian 2 năm, kể từ ngày 15/4.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho Đại tá Hồ Văn Dũng (bên trái) - Ảnh: Báo Dân trí

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho Đại tá Hồ Văn Dũng (bên trái) - Ảnh: Báo Dân trí

Đại tá Hồ Văn Dũng sinh năm 1972, quê ở Bạc Liêu. Trước khi nhận nhiệm vụ này, Đại tá Hồ Văn Dũng từng công tác tại Trung tâm Y tế huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an), Phó Giám đốc Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an).

Miễn phí vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota cho trẻ nhỏ

Trong năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai vaccine Rota phòng tiêu chảy trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine Rota sẽ là vaccine thứ 11 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta.

Trong năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai vaccine Rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Trong năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai vaccine Rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Vaccine ngừa Rota virus sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành. Đến cuối năm 2024, sẽ mở rộng phạm vi triển khai để đến năm 2025 có đủ vaccine triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.

Nguồn vaccine Rota sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ có 20% do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, còn lại 80% sẽ mua sắm vaccine sản xuất trong nước.

BVĐK tỉnh Bình Dương lần đầu tiên thực hiện cấy ốc tai điện tử cho trẻ câm điếc bẩm sinh

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương thực hiện cấy ốc tai điện tử cho cháu bé 30 tháng tuổi bị mất thính lực bẩm sinh. Được biết, bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán câm điếc bẩm sinh và có vấn đề về viêm tai.

Ca phẫu thuật có sự phối hợp trợ giúp của PGS.TS. Cao Minh Thành - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cùng ê-kíp BVĐK tỉnh Bình Dương thực hiện. Sau khi đặt điện cực ốc tai, các chỉ số kiểm tra hoạt động của tất các điện cực và đáp ứng thần kinh của bé đều rất tốt. Hiện vết mổ đã khô, ổn định, bé khỏe mạnh.

Giành lại mạng sống người được tiên lượng 90% tử vong

Bệnh nhân (59 tuổi, quê Bến Tre, ngụ tại TP.HCM) đột ngột khó thở rồi ngừng tim tại nhà trọ, được người thân đưa đi cấp cứu tại một cơ sở y tế gần nhà. Được biết, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nền, cơ tim giãn cộng với suy chức năng co bóp cả hai tâm thất nặng, tụt huyết áp sâu, phù phổi cấp, tiên lượng nguy cơ tử vong gần 90%. Sau khi hội chẩn liên viện, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Kíp ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch đã kích hoạt sẵn sàng, giúp người bệnh được can thiệp trong vòng 30 phút nhập viện. Đồng thời, bác sĩ hạ thân nhiệt trung tâm và hỗ trợ lọc máu liên tục.

Sau một tuần kiên trì hồi sức bằng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, sức khỏe của người bệnh dần ổn định, phục hồi tri giác hoàn toàn. Các biện pháp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn nhân tạo được ngưng hẳn sau 10 ngày, người bệnh vừa xuất viện sau ba tuần điều trị.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội