Khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về xuất nhập khẩu dược liệu - Ảnh: Sức Khỏe+.
Họp FHH lần thứ 21: Chia sẻ thông tin về thuốc có nguồn gốc từ dược liệu
Biến dược liệu thành nguyên liệu thực phẩm chức năng
Bộ Y tế gia hạn hơn 600 thuốc với đa dạng tác dụng dược lý
Vai trò của dược liệu và hoạt chất sinh học trong việc phòng ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 35/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.
Thủ tướng chỉ đạo 'gỡ khó' cho xuất khẩu dược liệu
Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021.
Tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, nhiều mặt hàng như tỏi, gừng, hành, sả; các loại tinh dầu quế, cam, chanh, sả… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu.
Cụ thể, khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng một loạt tiêu chí về nhà xưởng, phương tiện, thiết bị chế biến, điều kiện vệ sinh, trình độ nhân viên… theo quy định của Thông tư 35/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Y tế đã gỡ vướng cho doanh nghiệp bằng cách cho phép doanh nghiệp được khai báo theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, Bộ Y tế lại yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu khai báo theo mã HS 3301.29.10 (mã HS của nhóm tinh dầu quế, sả, gừng…) phải thực hiện theo quy định pháp luật về dược.
Đơn cử như cây quế, loại cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương miền núi. Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu. Nhưng bị siết chặt bởi quy định pháp luật về dược nên hiện có hàng trăm tấn tinh dầu quế không thể xuất khẩu.
Trong khi sản phẩm tinh dầu quế chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, vệ sinh nhà cửa… Việc quản lý như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA) cho thấy, vùng nguyên liệu 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn tinh dầu quế. Ước tính hết vụ quế mùa xuân năm nay (hết tháng 4/2024) sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn. Với giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn, như vậy sẽ có hàng trăm tỷ đồng giá trị tinh dầu quế đang “tắc nghẽn”.
Do đó, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu.
Đồng thời, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4 tới.
Chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu
Ngày 15/4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Lào Cai đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế cho các doanh nghiệp, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1371/BYT-QLD ngày 22/3/2024 gửi UBND tỉnh Lào Cai và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành văn bản số 1757/BYT-QLD ngày 7/4 gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Hiệp hội Tinh dầu hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam để triển khai trên toàn quốc việc xuất khẩu tinh dầu quế.
Cũng về vấn đề này, tại cuộc họp đại diện Tổng cục Hải quan cho biết Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ xuất khẩu tinh dầu quế.
Theo đó, tại Công văn số 1584/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ngày 12/4 về việc xuất khẩu tinh dầu quế, Tổng cục Hải quan nêu rõ: Trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định pháp luật dược; Trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.
Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết khó khăn của tỉnh Lào Cai liên quan đến việc xuất khẩu tinh dầu quế đã được tháo gỡ.
Đại diện các đơn vị tham gia họp đã chia sẻ, trao đổi và thảo luận xung quanh nội dung liên quan đến xuất khẩu dược liệu cũng như Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 của Bộ Y tế bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
“Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược” - Quy định Điều 2, Thông tư 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021 của Bộ Y tế nêu rõ.
Tại cuộc họp cơ bản các đại biểu đều thống nhất các nội dung Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT không phải là nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu, tinh dầu dược liệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ rà soát kỹ lại các nội dung của hai Thông tư nêu trên, đồng thời nhấn mạnh trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội chủ động trao đổi với Bộ Y tế để cùng tháo gỡ khó khăn, thống nhất trong thực hiện.
Bình luận của bạn