Nhiều ca bệnh khó được cứu sống tại tuyến tỉnh

Nhiều kỹ thuật phức tạp được triển khai tại bệnh viện tuyến tỉnh

Thiếu máu cơ tim kèm nhịp nhanh xoang phải làm sao?

Ngày thương binh liệt sĩ 27/7: Nén tâm nhang giữa lòng hồ Kẻ Gỗ

Bão số 1 đổ bộ đất liền, Bộ Y tế ra công điện đảm bảo công tác y tế trong bão

Y tế tuần: Lần đầu Việt Nam có trung tâm tim mạch xuất sắc

Bộ Y tế: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Đồng Nai: Cứu sống bệnh nhi có khối mủ trong não to bằng quả trứng

Sau hơn 2 tháng rưỡi điều trị, bệnh nhi 12 tuổi, bị tụ khối mủ to gây áp xe não trên nền bệnh tim bẩm sinh đã được Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho phép xuất viện.

Trước đó, ngày 10/5, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, lơ mơ. Tiến hành kiểm tra, kết hợp kết quả chụp CT scanner, các bác sỹ phát hiện bệnh nhi có ổ mủ kích thước lớn khoảng 4x5cm nằm ở bán cầu não phải, gây chèn ép não, đẩy lệch não qua trái.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi - Ảnh: TTXVN

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi - Ảnh: TTXVN

Khối áp xe có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, nếu mủ tràn vào não thất nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ mở nắp sọ kích thước 1x2cm, sử dụng máy siêu âm định vị khối áp xe và thực hiện dẫn lưu hết mủ ra ngoài. Sau ca mổ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định và sức khỏe hồi phục dần.

Theo BS Nguyễn Văn Toàn - Khoa Chấn thương Chỉnh hình-Bỏng thuộc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết trường hợp này rất khó gây mê do bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tử vong trong thời gian rất ngắn.

Chuyển vạt da che phủ bàn tay bị tai nạn lao động

Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền bàn tay bị lóc toàn bộ da cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động.

Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ, 31 tuổi, trong lúc lao động không may bàn tay bị máy cắt cỏ cắt vào tay. BSCK I - Lê Anh Tuấn - Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bàn tay phải bị lột hết da, bao gồm cả mạch máu, dây thần kinh, chỉ còn gân và xương của ngón tay. Đây là trường hợp có vết thương khá nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt bàn tay rất cao để tránh nhiễm trùng, hoại tử gân, xương."

Bàn tay bệnh nhân sau khi phẫu thuật chuyển vạt - Ảnh: sức khỏe & Đời sống

Bàn tay bệnh nhân sau khi phẫu thuật chuyển vạt - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Sau khi hội chẩn toàn viện, hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt da ở vùng bẹn trên cơ thể bệnh nhân sang phần bàn ngón tay bị mất da.

Kỹ thuật này giúp giữ lại tối đa chức năng và chiều dài chi thể, thay vì phải cắt cụt đến tận cổ tay để che phủ lại tổn thương như như trước đây. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, vùng da khuyết được bồi đắp hồng hào, vết mổ khô. Bệnh nhân được xuất viện sau 20 ngày điều trị.

Chuyển vạt bẹn là vạt tự do đầu tiên được sử dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, đánh dấu bước nhảy vượt bậc trong lĩnh vực che phủ khuyết hổng phần mềm trong tổn thương cấp tính.

Quảng Ninh: Can thiệp nút mạch kịp thời cứu sống bệnh nhân vỡ gan độ 4

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa cấp cứu và can thiệp nút mạch gan thành công, cứu sống bệnh nhân 60 tuổi bị đa chấn thương, tổn thương gan độ 4. Bệnh nhân 60 tuổi, bị ngã đập thành trước ngực bụng xuống nền cứng, đau nhiều vùng ngực bụng nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả siêu âm, CT scanner ổ bụng cho thấy, hình ảnh chấn thương gan độ 4, chấn thương lách độ 2, gãy xương sườn và có nhiều dịch trong ổ bụng. Trước nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong do sốc mất máu, kíp trực cấp cứu đã hội chẩn liên khoa: Ngoại - Điện quang can thiệp, Hồi sức tích cực thống nhất nút mạch cầm máu điều trị vỡ gan.

Sau gần 1 tiếng cùng với hệ thống máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA), các bác sĩ đã nút mạch thành công cho bệnh nhân giúp cầm máu nhanh chóng. Với phương pháp nút mạch cầm máu (không phải gây mê), bệnh nhân không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…

Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng bằng kỹ thuật lọc máu  

Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt - Ảnh: sức khỏe & Đời sống

Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cứu sống thành công người phụ nữ bị sốc nhiễm khuẩn nặng bằng phương pháp lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt. Qua khai thác tiền sử được biết, cách đây 10 năm, bệnh nhân đã từng bị sỏi thận 2 bên và điều trị tán sỏi. Hai ngày trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng hai bên.

Qua các biện pháp thăm dò, người bệnh được xác định là một trường hợp nặng với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm quanh thận trái, sỏi thận 2 bên. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất đưa ra phương án điều trị: Sử dụng kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng màng lọc Resin (HA 330) kết hợp quả lọc M100 mục đích hấp phụ cytokine và nội độc tố với hiệu quả cao nhất, kết hợp các phương pháp điều trị hồi sức tích cực hiện đại khác.

Sau 2 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được cai thở máy, tỉnh hơn, khỏe dần, hết tình trạng toan chuyển hóa và các chức năng thận trở về bình thường. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và dự kiến sẽ ra viện trong thời gian tới.

Kỹ thuật lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt trong sốc nhiễm khuẩn được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang từ đầu năm 2023, đã cứu sống và đem lại hy vọng cho nhiều người bệnh mắc các bệnh lý nặng, nguy kịch.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn