WHO cập nhật mới nhất danh sách các loại thuốc thiết yếu.
WHO cảnh báo "mối đe dọa đại dịch" sốt xuất huyết do sự nóng lên toàn cầu
WHO: 6 trẻ em tử vong sau khi uống siro ho nhiễm độc ở Cameroon
WHO: Ghi nhận số lượng lớn mèo nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở Ba Lan
WHO: Cúm gia cầm gia tăng bất thường gây lo ngại cho con người
Theo CNN, trong cuộc họp vào tháng 4, Ủy ban đánh giá của WHO đã xem xét hơn 100 phương pháp điều trị trước khi đề xuất bổ sung 24 loại thuốc cho người lớn và 12 loại cho trẻ em vào Danh sách mẫu về Thuốc thiết yếu (EML) và Thuốc thiết yếu cho trẻ em (EMLc).
Tổng cộng, 36 loại thuốc đã được thêm vào danh mục thuốc dành cho người lớn và trẻ em, nâng tổng số thuốc cho hai nhóm đối tượng này lần lượt lên mức 502 và 361.
Được cập nhật hai năm một lần, danh sách này là "sổ đăng ký" các loại thuốc mà WHO coi là yêu cầu tối thiểu đối với mọi hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những danh sách này là hướng dẫn được quốc tế công nhận cho hệ thống y tế của các quốc gia, giúp họ ưu tiên sử dụng các loại thuốc hiệu quả và giá cả phải chăng.
Theo WHO, điểm mới trong danh sách năm 2023 là các loại thuốc điều trị bệnh đa xơ cứng (MS), một bệnh hệ thần kinh mạn tính thường gây tử vong, ảnh hưởng đến 2,8 triệu người trên thế giới. Các hướng dẫn mới bao gồm 3 loại thuốc để làm chậm sự tiến triển của loại bệnh này bao gồm: Mavenclad, Copaxone và Rituxan/Mabthera.
Việc đưa các loại thuốc này vào danh sách sẽ giúp giải quyết nhu cầu quan trọng về sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ các nỗ lực vận động toàn cầu nhằm giảm gánh nặng của bệnh đa xơ cứng.
Ngoài ra, hai phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng đối với Ebola cũng được thêm vào danh sách, gồm thuốc Ebanga và Inmazeb. Cùng với đó là các loại thuốc Naltrexone và Acamprosate trong điều trị chứng rối loạn do sử dụng rượu, cũng như thực phẩm trị liệu chứng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: “Giá cả tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có nghĩa là tất cả các quốc gia hiện đang phải đối mặt với những vấn đề ngày càng gia tăng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận nhất quán và công bằng đối với nhiều loại thuốc thiết yếu được đảm bảo chất lượng”.
"WHO cam kết hỗ trợ tất cả các quốc gia vượt qua những trở ngại này để tăng khả năng tiếp cận một cách công bằng" - TS Tedros nhấn mạnh.
Theo Reuters, thuốc trị béo phì lần đầu được đề xuất vào danh sách thuốc thiết yếu của WHO hồi đầu năm 2023, nhưng một hội đồng chuyên gia của WHO khuyến nghị không bổ sung các loại thuốc giảm cân do lợi ích lâm sàng và sự an toàn lâu dài không chắc chắn với nhóm bệnh nhân mắc căn bệnh này. Dù vậy, việc đưa thuốc trị béo phì vào danh sách thiết yếu có thể được đánh giá lại trong tương lai sau khi có thêm nhiều bằng chứng rõ ràng hơn.
Kem chống nắng ngăn ngừa ung thư da, đặc biệt dành cho người bạch tạng, cũng bị các chuyên gia bác bỏ.
Danh sách thuốc thiết yếu của WHO là danh mục những những loại thuốc nên có trong tất cả các hệ thống y tế đang hoạt động. Việc cập nhật danh sách này có ý nghĩa to lớn đối với khả năng tiếp cận thuốc. Đơn cử như quyết định bổ sung thuốc điều trị HIV hồi năm 2002 đã giúp loại thuốc này trở nên phổ biến hơn đối với bệnh nhân AIDS ở các quốc gia nghèo.
Bình luận của bạn