Mất trí nhớ do virus viêm não tấn công

Cảnh báo viêm não Nhật Bản vào mùa

Trẻ tổn thương não, tử vong vì viêm não Nhật Bản

TP.HCM xuất hiện viêm não mô cầu: Làm gì để phòng tránh?

Trẻ đau đầu, sốt cao kéo dài: Có thể do viêm não!

Đừng nhầm lẫn viêm não và viêm màng não

Đang lanh lợi, chợt lơ ngơ không biết gì

Bé Nguyễn Ngọc Ph., năm tuổi (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu), được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện Xuyên Mộc điều trị với các triệu chứng ho, sốt, chán ăn. Tại đây, các bác sỹ (BS) chẩn đoán bé bị cảm sốt bình thường. Sau ba ngày điều trị, ngày 11/5, bé được xuất viện, về nhà uống thuốc và nghỉ ngơi khoảng 2-3 ngày sẽ khỏi.

Tuy nhiên, sau khi về nhà, từ chiều 12/5 bé Ph. bắt đầu mệt lả, không ăn uống được và đến ngày 13/5 rơi vào hôn mê. Thấy tình trạng con mình không tiến triển mà lại càng xấu đi, gia đình quyết định đưa bé vào BV Nhi đồng 1, TP.HCM kiểm tra sức khỏe.

Tại đây, bé Ph. mặc dù đã thoát khỏi tình trạng hôn mê nhưng lại chuyển sang giai đoạn quấy khóc, mất nhận thức hoàn toàn. Trong suốt hơn hai tuần điều trị tại khoa Nhiễm thần kinh - BV Nhi đồng 1, bé khóc liên tục từ sáng đến tối, người luôn bứt rứt, quay như chong chóng trên giường và không ăn được gì. “Qua chụp CT, làm xét nghiệm tại BV Nhi đồng 1, các BS nói con tôi bị viêm não do siêu vi. Virus đã tấn công não gây viêm thần kinh trung ương để lại di chứng khiến bé mất trí nhớ, hay nói sảng như một đứa trẻ mới sinh. Cháu giờ giống như một đứa trẻ mới sinh, hay đòi bú mẹ, đòi được bà bồng lên tay ru ngủ. Cho dù ở nhà, bé cũng nói con nhớ nhà, nhớ ông ngoại rồi khóc lóc” - chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ bé Ph., nghẹn ngào kể.

Theo gia đình, trước đó bé Ph. rất lanh lợi, thông minh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Sau hơn một tháng chật vật với căn bệnh, ngày 21/6, gia đình đành đưa bé về nhà và chấp nhận thực tế con gái sẽ không thể đi học được. “BS bảo không thể điều trị được nữa, phải chấp nhận tình trạng hiện tại của cháu, từ nay bé sẽ mãi sống như vậy mà không thể đến lớp, đi học và vui chơi như bao đứa trẻ khác nữa” - chị Phượng nói.

Do di chứng, bé Ph. hiện tại không nhớ được gì và chỉ biết khóc, hiếm hoi lắm mới có thể ngủ được một lát. 

30% để lại di chứng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh - BV Nhi đồng 1, TP.HCM, bệnh viêm não do siêu vi có nhiều biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng viêm hô hấp, nóng ho, sổ mũi có thể chỉ là dấu hiệu ban đầu khiến phụ huynh ít quan tâm, thậm chí bác sỹ cũng có thể nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Nhưng sau đó virus tấn công lên não, gây ra viêm não.

Bệnh lý của viêm não tùy vào tác nhân virus mà có biểu hiện ban đầu khác nhau. Ví dụ virus đường ruột có tiêu chảy đi kèm, virus hô hấp thì có ho, sổ mũi đi kèm, hoặc virus đường máu do bị muỗi chích thì nó xâm nhập vào rất đột ngột, sốt cao, nhức đầu, nôn ói… Tất cả tùy thuộc vào từng loại virus mà ra. “Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, ói mửa, nhức đầu theo kiểu của bệnh lý thần kinh trung ương, sau đó đi vào hôn mê, co giật” - BS Khanh lưu ý.

Điều đáng chú ý là viêm não diễn biến rất nhanh, từ lúc biết trẻ bị viêm não cho tới lúc tử vong chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Bác sỹ có thể chẩn đoán được bé đã nặng hay chưa qua tình trạng hôn mê. Khi ở tình trạng nặng, trẻ sẽ hôn mê sâu, co giật nhiều hoặc co giật không khống chế được dẫn tới ngưng thở và tử vong. “Một số trường hợp do tác nhân của virus không quá mạnh và sức đề kháng của bệnh nhân tốt, bệnh có thể kéo dài 5 - 7 ngày là có thể tự khỏi (khoảng 50%). 30% còn lại không khỏi hoàn toàn, sẽ để lại di chứng ở nhiều mức độ khác nhau như yếu tay, yếu chân, chậm phát triển trí tuệ, thay đổi tính tình, động kinh và nặng nhất là sống đời sống thực vật” - BS Khanh nói.

Theo BS Khanh, đối với viêm não siêu vi, chẩn đoán sớm hay muộn chỉ góp một phần nhỏ vào việc điều trị vì đây là một căn bệnh rất nặng. Yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như thế nào và sức đề kháng của em bé ra sao.

Đặc biệt, khi trẻ chưa có dấu hiệu hôn mê, thay đổi về tri giác, ngủ lừ đừ nhiều giờ thì rất khó phát hiện, do dấu hiệu của viêm não siêu vi khá giống với dấu hiệu khi trẻ gặp các vấn đề về đường hô hấp. Do đó, để phòng ngừa viêm não siêu vi, nhất là vào mùa trẻ mắc viêm não Nhật Bản nhiều như thời điểm này, cách phòng ngừa tốt nhất cho trẻ và gia đình là ngủ mùng, diệt muỗi, nhất là ở vùng nông thôn. Trẻ cần được chích ngừa viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được ăn sạch uống sạch, ăn đủ vitamin để tăng sức đề kháng; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 200 - 300 ca mắc viêm não do siêu vi mỗi năm. Vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 được xem là mùa trẻ mắc viêm não nhiều nhất. Viêm não là một trong những bệnh rất nặng, bởi vậy trẻ nhập viện lúc nào cũng phải thở máy hoặc nằm ở phòng cấp cứu. Tỷ lệ viêm não có thể chữa được và sống bình thường chiếm khoảng 50% và tùy thuộc vào di chứng.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin