Vì sao dân phải è cổ gánh giá thuốc trên trời?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Việt Dũng

Đề xuất quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường

Xác minh thông tin Bệnh viện K trục lợi BHYT từ giá thuốc

Xử phạt 2 công ty dược không kê khai giá thuốc

Không có chuyện giá thuốc, chất lượng thuốc không được kiểm soát

Cụ thể, trong bài phát biểu dài 45 phút, bà Lan nêu ra nhiều tồn tại của ngành dược, đặt ra trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - đại biểu cùng đoàn.

Đại biểu Phong Lan đã bắt đầu nội dung phát biểu bằng sự bày tỏ: “Nói 5 năm mới có một ngày thì hơi quá, nhưng đây là cơ hội để nhìn nhận và chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của ngành Dược mà quy định hiện hành đã không còn đáp ứng”.

Dân è cổ gánh giá thuốc cao vô lý

Là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phụ trách lĩnh vực dược, bà Lan nêu thực trạng: “Hiện nay, luật chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã tiến hành phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” các công ty dược trong nước. Các công ty Việt Nam chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian”.

Ba thực trạng mà bà Lan nêu lên làm giá thuốc ngất ngưởng là: Độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu; Mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên; Mua chuộc bác sỹ kê đơn: Hoa hồng, chiết khấu. Bà Lan cho rằng: “Quyền lợi của người dân là trên hết, không thể để lợi ích nhóm thao túng chuyện này”.

Bà Lan phân tích: "Bất cứ ngành công nghiệp nào thì đều phải đứng hai chân là sản xuất và tiêu thụ. Thế nhưng ngành Dược Việt Nam lại đang sống với một tư duy khập khiễng, chấp nhận “đi nạng” chỉ với một chân phân phối. “Rõ ràng là hoàn toàn bất ổn”.

Tại cuộc họp, đại biểu Lan cũng kể “một câu chuyện buồn với tôi”. Đó là khi nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì toàn thành phố có 450 công ty phân phối dược phẩm, mục tiêu của bà là sẽ giảm bớt các đơn vị trung gian này. “Thế nhưng đến nay TP.HCM đã có 1.000 công ty, cả nước thì có 2.000. Tầng nấc trung gian quan nhiều mà không cách nào hạn chế được”, bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, Dự thảo Luật Dược sửa đổi không đề cập đến định hướng chiến lược về quy hoạch lại mạng lưới lưu thông phân phối là điều rất đáng tiếc. Bà Lan đề nghị: “Nên có một chương riêng biệt để điều chỉnh lĩnh vực này”.

Chất lượng thuốc rất... hên xui 

Trước sự có mặt của bộ trưởng Y tế, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM đã mào đầu: “Tôi xin lỗi Bộ Yế nhưng phải nói ra một số vấn đề về kiểm nghiệm chất lượng thuốc”.

Đi vào vấn đề, đại biểu Lan cho biết hiện nay cả nước có 2 viện quốc gia và 63 trung tâm kiểm nghiệm thuốc ở các tỉnh, thành phố. Nhưng thực tế là chỉ có 2 viện quốc gia làm tốt việc này. Còn lại các trung tâm kiểm nghiệm khác thì không đủ nhân lực và phương tiện để làm trước khi thuốc đến tay người dân để trị bệnh.

Theo bà Lan, các cơ quan kiểm nghiệm thuốc đã tỏ ra quá tin tưởng thuốc ngoại, khi tỷ lệ kiểm nghiệm thuốc nội và thuốc ngoại chênh lệch quá lớn. Trong 40.711 mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng năm 2014 thỉ chỉ có 18,5% thuốc ngoại và 81,5% thuốc nội. “Trong khi thuốc ngoại là thì chúng ta không thể kiểm được thực địa tại nhà máy họ sản xuất thế nào”, đại biểu Lan nói.

Đại biểu Lan cho rằng cần phải tăng cường kiểm nghiệm chất lượng thuốc, đặc biệt là thuốc ngoại. “Ai chịu trách nhiệm khi người dân đã tiêu thụ thuốc kém chất lượng rồi mới phát hiện?” Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đặt câu hỏi.

Biện pháp thứ hai, theo đại biểu Lan là phải siết chặt ngay từ khâu nhập khẩu. Bà Lan nói, vừa rồi tại hội trường, đại biểu chất vấn vì sao có đến 64 tấn Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) được nhập vào Việt Nam.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời Bộ Y tế chỉ cấp phép cho hơn 3 tấn. “Bộ Y tế nói như vậy tôi cũng tin. Nhưng còn 60 tấn nữa thì đi vào bằng đường nào, còn những loại khác nữa thì sao. Và nếu vậy chúng ta tồn tại làm gì?” đại biểu Lan đặt câu hỏi.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin