4 yếu tố phục hồi du lịch trong “bình thường mới”

"Hộ chiếu vaccine" góp phần kiểm soát tốt hơn sức khỏe môi người và mở cửa du lịch

Việt Nam ghi nhận tổng hơn 1,9 triệu ca COVID-19, thêm địa phương có ca nhiễm Omicron

Hoàng Đức và Văn Toàn trễ hẹn lên tập trung ĐTQG vì dính COVID-19

Bộ Y tế cảnh báo những thận trọng khi sử dụng thuốc Molnupiravir

Gần 1,6 triệu F0 khỏi bệnh, TP.HCM chú trọng chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Bệnh dịch Y – bệnh dịch tiếp theo

Mở cửa đường bay quốc tế

Ngày 10/12/2021, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 334 về kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Theo đó, nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến, việc mở lại các chuyến bay quốc tế theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải là cần thiết. Tuy nhiên quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thực hiện là từ 1/1/2022.

Phó Thủ tướng đồng ý với kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách từ các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Hộ chiếu vaccine là điểm sáng cho du lịch Việt Nam hậu COVID-19

"Hộ chiếu vaccine là "điểm sáng" cho du lịch Việt Nam hậu COVID-19

Bộ Y tế được yêu cầu khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.

Ngoài ra, các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, đồng thời bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chức thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ theo Kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời tổng kết đánh giá và kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Mở cửa du lịch là tất yếu khi nhu cầu ngày càng lớn!

Trở lại với nhu cầu du lịch, ngay từ giữa tháng 11, một số địa điểm du lịch trong nước đã bắt đầu nối lại. Hai địa điểm du lịch Hội An và Phú Quốc đã đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên. Thông tin ban đầu cho thấy, các đoàn khách du lịch này đều đã được cấp “hộ chiếu vaccine” được Bộ Y tế Việt Nam công nhận (thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh vào Việt Nam).

Theo quy trình hướng dẫn đón khách quốc tế của Sở Y tế và Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Kiên Giang cũng như Đà Nẵng, các nhóm khách này đều là đoàn khách khép kín từ dịch vụ hàng không, nghỉ dưỡng đến trải nghiệm du lịch. Các đơn vị phải đảm bảo đoàn không tiếp xúc với cộng đồng và không ảnh hưởng đến hoạt động của du khách khác. Sau khi nhập cảnh, mỗi khách phải cài đặt ứng dụng IGOVN và PC-COVID để khai báo y tế trước khi di chuyển về khách sạn. Về đến khu nghỉ dưỡng, du khách được xét nghiệm sàng lọc lần nữa sau thủ tục tại sân bay.

Trong kỳ nghỉ, du khách sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19 trong ngày đầu và ngày cuối của hành trình. Với kết quả xét nghiệm âm tính, du khách có thể tham quan, giải trí, ăn uống, mua sắm tại các địa điểm theo đúng hành trình hộ chiếu vaccine tại quần thể này.

Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại phố cổ Hội An sau 2 năm 'dịch giã'

Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại phố cổ Hội An sau 2 năm 'dịch giã'

Với các đoàn khách quốc tế thì như vậy, nhưng với các đoàn khách du lịch Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Chị H.N (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Sức khỏe+, chị cùng nhóm bạn đã đi du lịch Mộc Châu (Sơn La) vào nửa cuối tháng 11/2021 và hầu như không gặp vướng mắc gì trên cả cung đường di chuyển cũng như vui chơi.

Chị H.N cho biết, khi đăng ký phòng với khách sạn cũng như thuê xe du lịch, nhóm chị chỉ cần thông báo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, mũi thứ 2 đã qua 14 ngày. Quá trình di chuyển trên chặng đường từ Hà Nội lên Sơn La, xe đoàn cũng chỉ dừng lại 1 lần để khai báo di chuyển ở điểm đầu của Sơn La, rồi cứ thế đi thẳng vào Mộc Châu du lịch. “Việc chỉ cần khai báo di chuyển trong toàn chuyến trên phần mềm như thế này giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn trong chuyến du lịch. Tại các địa điểm du lịch ở Mộc Châu, chúng tôi chỉ cần quét QR-code.”, chị H.N chia sẻ.

Cũng theo chị H.N, một nhóm bạn của chị đăng ký đi du lịch Nha Trang từ tháng 5/2021 nhưng bị hoãn lại vì dịch bùng phát nên đến ngày cuối cùng của tháng 11 mới được đến Nha Trang. Phóng viên Sức khỏe+ cũng đã liên hệ với chị M.P để tìm hiểu về chuyến đi này thì được biết, công ty du lịch đã gửi cho đoàn một bảng lưu ý đối với những người đi, trong đó có lưu ý đặc biệt với trẻ em. Với người lớn thì phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19  trước khi lên máy bay và đến nơi lưu trú. Với trẻ em, cũng cần có kết quả xét nghiệm RT-PCR COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay. Cả đoàn cần khai báo di chuyển toàn chuyến và khai báo tại sân bay như yêu cầu của hãng hàng không.

Những điều chị M.P chia sẻ cùng hoàn toàn khớp với những thông tin mà anh Tăng Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Hermes Travel chia sẻ với phóng viên. Anh Dương cho biết, công ty luôn chủ động hướng dẫn du khách có nhu cầu đặt tour đi du lịch trong nước về quy định phòng dịch tùy theo từng địa điểm du lịch. Khách du lịch luôn cần tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tùy vào quy định cụ thể của từng địa phương.

Cũng theo anh Dương, dù trong tình hình dịch bệnh trong nước đang có chiều hướng phức tạp, vẫn có không ít đoàn khách mong muốn được đi du lịch và các điểm đến yêu thích như Sapa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… vẫn được lựa chọn nhiều. Với khách quốc tế, cũng không ít đoàn khách ở Châu Âu, Châu Mỹ đặt vấn đề được đến Việt Nam du lịch sau một thời kỳ giãn cách kéo dài. Điều các đoàn thắc mắc nhất là họ cần làm gì để đáp ứng yêu cầu du lịch của Việt Nam.

Mở cửa du lịch phải đảm bảo an toàn!

Để giải đáp vấn đề này, phóng viên Sức khỏe+ đã phỏng vấn ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam.

Thưa ông, xin ông cho biết định hướng thích ứng an toàn của ngành du lịch Việt Nam để thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Du lịch đang tích cực tái khởi động du lịch nội địa và triển khai đón khách du lịch quốc tế tới một số địa phương, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch đón khách quốc tế trở lại.

 

4 yếu tố đảm bảo mở cửa du lịch an toàn:

- Vaccine

- 5K

- Ứng dụng công nghệ thông tin

- Truyền thông và ý thức cộng đồng

 

Ngành du lịch mở cửa an toàn hiệu quả dựa trên 4 yếu tố: Vaccine - 5K - Ứng dụng công nghệ thông tin - Truyền thông và ý thức cộng đồng. Trong đó, đảm bảo an toàn tại các điểm đến, khu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường công tác thông tin truyền thông nâng cao ý thức của người dân địa phương, khách du lịch và xúc tiến đến các thị trường mục tiêu.

Các Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là khuôn khổ căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương và doanh nghiệp mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động đón khách. Trong quá trình thực tế triển khai, liên kết là một yếu tố vô cùng quan trọng. Các địa phương cần phối hợp để thống nhất hành động, tạo sự bứt phá; các doanh nghiệp cần liên kết về thị trường, sản phẩm, xúc tiến, quảng bá.

Tổng Cục Du lịch có giải pháp nào để giải quyết vướng mắc lớn nhất của hoạt động du lịch nội địa hiện nay là khó khăn khi di chuyển giữa các tỉnh và sự khác biệt về chính sách giữa các địa phương. Tổng cục có định hướng ra sao để thống nhất Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống dịch với du lịch trong nước?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó đưa ra các yêu cầu chung khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cũng như các hướng dẫn cụ thể đối với từng cấp độ dịch trong lĩnh vực du lịch.

Tổng Cục Du lịch đã ban hành văn bản số 1663/TCDL-LH ngày 18/11/2021 về việc triển khai Nghị quyết 128, trong đó đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương triển khai các nội dung như sau nhằm triển khai phòng, chống dịch một cách thống nhất trong hoạt động du lịch trên cả nước:

1. Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 08/11/2021 của Bộ Y tế và Hướng dẫn 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong hoạt động du lịch tại địa phương.

2. Chủ động tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố triển khai các hoạt động du lịch nội địa phù hợp theo Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 07/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ khôi phục các hoạt động du lịch nội địa đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới.

4. Thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đảm bảo hoạt động du lịch nội địa được triển khai an toàn, hiệu quả.

Tổng Cục Du lịch có giải pháp gì để hỗ trợ các địa phương kết nối, phục hồi du lịch?

- Tổ chức các cuộc họp quan trọng với các địa phương, doanh nghiệp và các ban, ngành liên quan nhằm chuẩn bị cho việc tái khởi động hoạt động du lịch, đồng thời tham gia và đóng góp ý kiến cho việc triển khai phục hồi du lịch của các địa phương: Sơn La, Thanh Hóa, Kiên Giang, TP.Hồ Chí Minh, Lào Cai...

- Chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Trên cơ sở Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai của địa phương, chỉ đạo doanh nghiệp du lịch tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, nhân viên được hướng dẫn và phổ biến các quy định về cách phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy định của địa phương.

- Khuyến khích các địa phương tăng cường liên minh liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phục hồi du lịch, đảm bảo hài hòa về quy định đi lại giữa các địa phương nhằm tạo điều kiện trao đổi khách an toàn, hiệu quả; có các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý, góp phần giảm giá thành, tăng sức hấp dẫn các gói kích cầu du lịch; công khai các chính sách kích cầu, thông tin, điều kiện đón khách du lịch đến địa phương để doanh nghiệp chủ động tổ chức các chương trình du lịch.

- Đối với việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VHTTDL thành lập đoàn kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị của các địa phương: Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa trong việc bảo đảm an toàn, sẵn sàng các điều kiện đón khách. Đồng thời tiến hành các hoạt động truyền thông, quảng bá cho việc thí điểm mở lại du lịch quốc tế: triển khai Chiến dịch xúc tiến, quảng bá Việt Nam đến các thị trường du lịch quốc tế mang tên “Live fully in Vietnam” - Sống trọn vẹn tại Việt Nam, chủ động kết nối với các hãng truyền thông quốc tế, làm việc với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh kế hoạch truyền thông, đảm bảo thông tin luôn được cập nhật đến với bạn bè quốc tế, tiếp tục duy trì xúc tiến, quảng bá du lịch trực tuyến và trên các kênh truyền thông quốc tế, như CNN, CNBC. Trong năm 2022, dự kiến sẽ tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại các hội chợ quốc tế lớn, kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức các roadshow quảng bá du lịch Việt Nam.

Với hàng loạt hành động quyết liệt, khẩn trương và quyết tâm tái khởi động hoạt động du lịch của Tổng Cục Du lịch, Bộ VHTTDL cùng các địa phương và doanh nghiệp, hy vọng ngành du lịch sẽ vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi trở lại trong bối cảnh mới, góp phần thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển trạng thái an toàn để phát triển kinh tế, phục hồi các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thưa ông, một diễn biến mới của dịch COVID-19 trong thời gian này là sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Biến chủng này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch mở cửa, đón du khách quốc tế?

Cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, biến chủng Omicron sẽ không ảnh hưởng đến việc kế hoạch mở cửa, đón du khách quốc tế của Việt Nam. Việc mở cửa đón khách quốc tế sẽ luôn đảm bảo các phương án phòng, chống dịch và xử lý sự cố chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về tương lai, chúng ta cần có một hướng dẫn chung cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Xin ông cho biết, Tổng Cục đã định hướng xây dựng hướng dẫn này.

Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 4122/HD-BVHTTDL ngày 05/11/2021 về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hướng dẫn 4122 đã có các quy định cụ thể về điều kiện với khách du lịch, quy trình đón khách từ đăng ký chương trình du lịch, xét duyệt nhân sự, cấp thị thực, chuẩn bị trước chuyến bay, quy trình nhập xuất cảnh và quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam. Đây là hướng dẫn chung cho khách du lịch và cũng là hướng dẫn để địa phương, doanh nghiệp triển khai đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các quy định và hướng dẫn với khách du lịch quốc tế đang được triển khai công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Bộ VHTTDL chủ động kết nối với các hãng truyền thông quốc tế, làm việc với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh kế hoạch truyền thông, đảm bảo thông tin luôn được cập nhật đến với bạn bè quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm điều chỉnh lại Hướng dẫn cho phù hợp với các giai đoạn của việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa