Nên dùng kem chống nắng quanh năm
Loại kem chống nắng cho trẻ em nào bị đánh giá thấp nhất 2019?
Kem chống nắng tốt nhất năm 2019 cho trẻ nhỏ, đi biển và thể thao
2/3 kem chống nắng của Mỹ lại không thể... chống nắng
6 sai lầm khi dùng kem chống nắng nhiều người đang mắc phải
Kem chống nắng nên là một trong nhiều phương pháp chống nắng, bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. 8 sự thật về kem chống nắng ít được biết đến dưới đây sẽ giúp bạn phát hiện ra các sản phẩm chống nắng mà bạn đang dùng có tốt hay không.
1. Chống nắng đơn thuần không thể ngăn ngừa hầu hết ung thư da
Tỷ lệ ung thư tế bào hắc tố (melanoma - dạng ung thư da nguy hiểm nhất) đã tăng gấp ba lần trong 35 năm qua. Hầu hết các nhà khoa học và các cơ quan y tế công cộng đã tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy việc chỉ sử dụng một mình kem chống nắng có thể ngăn ngừa hầu hết các loại ung thư da. Để phòng tránh nguy cơ ung thư da hiệu quả, bạn nên kết hợp sử dụng kem chống nắng với các phương pháp chống nắng khác, bao gồm: Mặc quần áo dài, che ô hoặc đội mũ vành rộng, tránh nắng giữa trưa, đeo kính râm…
2. Đừng bị đánh lừa bởi độ SPF cao
Việc ghi nhãn SPF cao trên các sản phẩm kem chống nắng khiến cho nhiều người tiêu dùng chủ quan, không thực hiện các biện pháp chống nắng khác. Điều này có thể khiến cho tác dụng chống nắng bị sụt giảm.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất cấm bán kem chống nắng có SPF lớn hơn 60+. Thực tế, chỉ số SPF càng cao thì không đồng nghĩa với khả năng chống nắng càng tốt. SPF 15 ngăn được khoảng 94% lượng tia UVB, SPF 30 ngăn chặn được 97% tia UVB, SPF 45 ngăn chặn được khoảng 98% lượng tia UVB. SPF từ 50+ trở lên cũng không hiệu quả hơn SPF 50 là mấy và SPF 100+ chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm bán được nhiều hàng hơn.
3. Vitamin A có thể tăng tốc độ phát triển của ung thư da
Retinyl palmitate là este của retinol (vitamin A), đây là một chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa lão hóa da. Retinyl palmitate có mặt trong rất nhiều loại kem chống nắng. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi sử dụng retinyl palmitate trên da, dưới tác động của ánh sáng mặt trời, nó có thể kích hoạt sự phát triển của các khối u và tổn thương da.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất kem chống nắng vẫn tiếp tục bổ sung vitamin A trong sản phẩm của mình, đặc biệt là trong kem chống nắng đi biển và thể thao.
Nhóm công tác môi trường (EWG/Enviromental Working Group) khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh kem chống nắng, dưỡng môi và kem dưỡng da có chứa vitamin A hoặc retinyl palmitate, còn được gọi là retinyl acetate, retinyl linoleate và retinol.
4. Kem chống nắng của châu Âu giúp chống tia UVA tốt hơn
Gần như mọi loại kem chống nắng của Mỹ đều tuyên bố có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVA. Nhưng nhiều thương hiệu kem chống nắng của Mỹ lại không được chấp thuận ở châu Âu - nơi có yêu cầu rất cao về khả năng chống tia UVA của các sản phẩm chống nắng. Các nhà sản xuất kem chống nắng của châu Âu có thể tạo ra các sản phẩm với 4 hóa chất có khả năng chống tia UVA mạnh mẽ. Trong khi đó, các thành phần chống nắng này vẫn chưa được cơ quan chức năng của Mỹ chấp thuận.
5. Kem chống nắng không bảo vệ da khỏi mọi tác hại của ánh nắng mặt trời
Kem chống nắng có thể bảo vệ da khỏi cháy nắng, nhưng không thể bảo vệ da khỏi các tổn thương khác. Các tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể tạo ra các gốc tự do gây tổn hại DNA và tế bào da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da và có thể gây ung thư da. Kem chống nắng của Mỹ có thể làm giảm những tác hại này nhưng không hiệu quả như cách chúng ngăn ngừa cháy nắng. Mọi người có thể gặp các rắc rối nếu họ chọn một loại kem chống nắng có khả năng chống tia UVA kém, bôi quá ít hoặc không bôi lại kem thường xuyên.
6. Một số thành phần trong kem chống nắng gây rối loạn hormone và dị ứng da
Kem chống nắng được thiết kế để áp dụng cho các phần lớn da trên cơ thể và sử dụng nhiều lần mỗi ngày. Vì vậy, các thành phần trong kem chống nắng có thể thấm qua da và đi vào trong máu, nước tiểu và thậm chí là sữa mẹ. Một số thành phần thường có trong kem chống nắng như oxybenzone, triclosan, paraben và phthalate có khả năng gây rối loạn hormone. Chúng cũng có thể gây dị ứng da, đặc biệt là da nhạy cảm.
7. Kem chống nắng khoáng chất chứa hạt nano
Hầu hết các loại kem chống nắng chứa kẽm oxide và titan dioxide đều có chứa các hạt nano có kích thước chỉ bằng 1/20 sợi tóc. Vì vậy, nó có thể xâm nhập vào máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
8. Nên kiểm tra mức vitamin D
Ánh nắng mặt trời là yếu tố chủ yếu giúp cơ thể sản xuất vitamin D. Đồng nghĩa với việc sử dụng kem chống nắng có thể ngăn ngừa cơ thể sản xuất vitamin quan trọng này. Vitamin D giúp chuyển hóa calci, tăng cường xương chắc khỏe, thúc đẩy hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư vú, ruột kết, thận, buồng trứng và nhiều lợi ích khác.
Tuy vậy, không vì thế mà bạn tránh sử dụng kem chống nắng. Nếu bạn bị thiếu hụt vitamin D nặng, hãy tham vấn bác sỹ để biết cách chống nắng phù hợp cũng như bổ sung thêm vitamin D. Bên cạnh đó, bạn có thể nhận được lượng vitamin D cần thiết thông qua thực phẩm (như sữa, nấm) và thực phẩm chức năng.
Nhóm công tác môi trường (EWG/Enviromental Working Group) là một tổ chức vận động phi lợi nhuận ở có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) tập trung vào các vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua nghiên cứu chuyên sâu và giáo dục, định hướng người tiêu dùng với những lựa chọn khôn ngoan, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sứ mệnh của EWG là trao cho người dân có được cuộc sống lành mạnh hơn trong một môi trường lành mạnh hơn (to empower people to live healthier lives in a healthier environment).
EWG tiến hành phát triển cơ sở dữ liệu về an toàn mỹ phẩm dựa trên thông tin của hơn 79.000 sản phẩm, 50 cơ sở dữ liệu về độc dược và quy định cùng ngành. Dữ liệu này cho phép người dùng đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm chăm sóc cá nhân bằng điểm số dựa trên thành phần sản phẩm.
Bình luận của bạn