Cuối đợt nghỉ lễ Quốc khánh, tôi nhận được tin nhắn từ thầy mình, một ông cụ U90 vô cùng năng động. Thầy viết: “Thầy mới mua được một cuốn sách cũ, khiến thầy đọc một mạch hết bay 500 trang. Thật hay, thật cuốn. Thầy sẽ gửi cho em. Cuốn sách “Ai rồi cũng chết” do một bác sĩ viết.” Đọc tin nhắn mà tôi dở khóc dở cười. Một ông cụ U90 gửi một cuốn sách chuẩn bị cái chết cho một người trưởng thành 40++ hình như là hơi sớm.
Không phải tôi chưa đọc về cái chết. Tôi đã đọc vài cuốn sách viết về cái chết, của cả bên Phật giáo lẫn của những bác sĩ viết về cái chết. Cuốn “Như hơi thở bỗng hóa thinh không” của một bác sĩ đột nhiên phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư. Hay bộ sách “Chết có kế hoạch” và “Sống có kế hoạch” cũng do một bác sĩ viết, trong đó nhấn mạnh tới các bước chuẩn bị để đi vào cõi vĩnh hằng, với cả người bị bệnh lẫn người cao tuổi. Ai cũng cần chuẩn bị cho những giờ phút cuối cùng của đời mình như vậy. Nhưng ở cái tuổi 40++ và không mắc bất cứ bệnh gì như tôi thì…
Nhận được cuốn sách, tôi phát hiện ra mình nhầm. “Ai rồi cũng chết” là một cuốn sách nói về tuổi già. Khi người ta già đi thì nên làm cái gì. Già đi không phải là mất hết tất cả. Họ có sự minh mẫn, trí tuệ mà tuổi trẻ không có, nhưng họ thiếu đi sự khỏe mạnh về thân thể giống như người trẻ. Họ không thiếu những đam mê và mong ước cuộc sống. Họ có lựa chọn sống cho riêng mình. Nhưng đến một lúc, họ sẽ phải chấp nhận “thua cuộc” trước sự yếu đuối của thể xác và bệnh tật. Nhưng, lại nhưng, đến lúc đó hẵng tính. Còn khi mà, thể xác của họ chưa đến mức kiệt quệ, bệnh tật của họ chưa đến lúc khiến họ đầu hàng, thì người cao tuổi, có quyền lựa chọn cuộc sống theo ý muốn, dù rằng, đôi lúc nó sẽ khiến cho họ đẩy mình vào nguy hiểm.
Ví dụ như ngã. Ngã có thể khiến người cao tuổi gẫy xương hông, phải nằm bất động và nhiều người trong số họ không thể liền xương lại được, ra đi trong đau đớn. Ngã có thể khiến họ bị va đập vùng đầu dẫn tới chấn thương sọ não hay một cơn đột quỵ xuất huyết trong não. Ngã có thể khiến họ làm bị thương chính mình nếu chẳng may va vào vật sắc nhọn… Rất nhiều lý do khiến người cao tuổi có thể bị ngã. Những lý do này đã được cảnh báo khi họ được phát hiện bệnh mạn tính hoặc đơn giản là do huyết áp tư thế khiến họ choáng váng, xây xẩm mặt mày.
Thế nhưng, những phân tích trong cuốn sách cho thấy, người cao tuổi có quyền lựa chọn và họ chọn cách sống của riêng mình.
Đọc tới đây, tôi nghĩ ngay tới thầy mình. U90 nhưng vào Nam ra Bắc vài lượt trong tuần. Chưa kể, hai ông bà sống trong căn hộ riêng, chỉ ở gần con cái thôi. Cuộc sống vô cùng vui vẻ. Mỗi lần đi dự hội thảo với thầy, tôi đều gặp cô ở đó, vui vẻ, hạnh phúc dù sức khỏe không phải lúc nào cũng như ý.
Là một xã hội đề cao cuộc sống gia đình, cuộc sống của người cao tuổi Việt Nam hầu như “phụ thuộc” vào con cái. Phần lớn các gia đình ở Việt Nam là gia đình 3 thế hệ chung sống. Vậy mà, người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình. Họ có thể được chăm sóc về y tế tốt, nhưng lại thiếu đi sự vui vẻ về tinh thần.
Đây là chuyện của gia đình tôi. Nhà tôi 4 thế hệ chung sống: Bà ngoại tôi, bố mẹ tôi, gia đình nhỏ của tôi. Bố mẹ và bà tôi đều là cán bộ công chức nghỉ hưu. Bà ngoài 90 nên lẫn nhiều, ăn uống không mấy nhưng lúc nào cũng chỉ mong có người tới ngồi chơi với mình. Ngồi cùng thôi, không cần nói gì nhiều. Nhiều lúc nhìn qua camera, thấy bà nằm nhìn lên trần, nói chuyện vu vơ một mình trong tiếng tivi bật to ra rả suốt ngày, rất thương mà chưa có cách nào khắc phục được.
Bố mẹ tôi thì thỉnh thoảng có công việc thêm, còn đa phần là ở nhà. Việc nhà cứ bảo ít, chứ một gia đình 4 thế hệ chung sống, số lượng việc vặt không tên rất nhiều. Chỉ riêng đoạn giặt quần áo, phơi quần áo, đi chợ, nấu ăn cho cả gia đình, tôi đã thấy mẹ tôi “quần quật” cả ngày. Thế nhưng, bữa cơm tối mà bố mẹ tôi mong chờ nhất không mấy khi đông đủ. Lúc thì cháu đi học, lúc thì con đi làm về muộn hoặc đi nhậu với bạn không về ăn cơm. Bà thì ăn cơm trong phòng riêng nên chỉ có hai ông bà ngoài 70 ngồi ăn cơm với nhau. Có khi cả tuần diễn ra như vậy. Sức khỏe ông bà thì vẫn tốt, nhưng dường như không vui. Thỉnh thoảng, bố mẹ vẫn bảo tôi, “Cả tuần chả ăn cơm nhà bữa nào”… Lần nào nói cũng pha thêm vẻ buồn buồn.
Khi tôi có ý định ra ở riêng thì ông bà tìm mọi cách ngăn cản, với ngàn vạn lý do, từ chăm con tới tuổi tác, bệnh tật… Nghe một hồi, tôi cũng hiểu, thứ ông bà cần không phải là chuyện chăm sóc thể chất mà cần tiếng nói tiếng cười của chúng tôi mỗi khi ở nhà, “cho nhà bớt lạnh”. Chúng tôi như chỗ dựa tinh thần cho ba người cao tuổi trong nhà, để họ cảm thấy bớt cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Có thể, câu chuyện của gia đình tôi hay như thầy tôi không phải là điển hình. Nhưng nó phản ánh một thực tế hiển hiện là người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thể chất nhưng thiếu đi yếu tố tinh thần.
Đầu tháng 4 vừa qua, Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu Hoa Kỳ có công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ người cao tuổi sử dụng rượu bia đang ngày càng tăng. Vì sao? Tiến sỹ George Koob - Giám đốc Viện, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, “Có rất nhiều yếu tố đã tác động đến người cao tuổi như sự cô lập, cô đơn, nỗi lo về bệnh tật, bị bỏ rơi… Những nỗi lo này khiến người cao tuổi lo lắng, căng thẳng và họ dùng rượu để đối phó với sự căng thẳng đó.”
Nghiên cứu này cũng cho rằng, đại dịch chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ của tình trạng này, mà sự cô đơn của người cao tuổi mới là nguyên nhân chính khiến họ căng thẳng, lo lắng và tìm cách giải tỏa.
Đã có ý kiến cho rằng, đưa người cao tuổi vào viện dưỡng lão là một giải pháp giải quyết các vấn đề tinh thần của người cao tuổi. Trong cuốn sách Ai rồi cũng chết, bác sĩ Atul Gawande lại không đồng tình về điều này. Cuốn sách phân tích các trường hợp người cao tuổi được đưa vào các viện dưỡng lão lại rơi vào tình trạng trầm cảm hơn. Bởi, khi ở nhà mình, họ có thể sinh hoạt theo sở thích của họ, còn khi vào viện, họ phải tuân thủ lịch sinh hoạt. Điều này khiến những người “quen với tự do” cảm thấy căng thẳng hơn. Việc uống, việc ăn, việc dùng thuốc theo đơn, giờ đi ngủ, giờ thức giấc, giờ kiểm tra, tắm rửa… cũng khiến họ cảm thấy gò bó.
Điều này khiến tôi nhớ tới chuyện năm ngoái, khi tôi đi tìm viện dưỡng lão cho bà ngoại mình. Tôi đã tìm tới gần 10 viện dưỡng lão, cả trong thành phố lẫn cách thành phố hơn 10km. Điều kiện mỗi nơi mỗi kiểu, nhưng có một điều khiến tôi cảm thấy không thoải mái là “các cụ ra phòng sinh hoạt chung” trong những giờ không nghỉ ngơi. Sức khỏe bà ngoại tôi thế nào tôi hiểu, sở thích của bà tôi cũng biết, nên chuyện buộc bà ra một khu vực chung vào lúc bà không thích có thể khiến bà “nổi xung”. Nên tôi đã bỏ ý định đưa bà vào viện dưỡng lão, dù cũng trong thời gian đó, người con trai riêng của ông ngoại tôi đã được đưa vào viện dưỡng lão vì đột quỵ, con cái ở xa không thể chăm sóc.
Trong cuốn “Ai rồi cũng chết” có nhắc tới một khái niệm mới của viện dưỡng lão, “Nhà trợ sinh” – một mô hình gần giống với viện dưỡng lão nhưng ở đó, người cao tuổi được tự do hơn rất nhiều về không gian, thời gian, hoạt động dưới sự hỗ trợ, chăm sóc của những điều dưỡng chuyên nghiệp. Khái niệm này thật hay.
Và năm ngoái, viện dưỡng lão Belong ở Chester (Anh) đã có một ý tưởng tuyệt vời cho vấn đề chăm sóc tinh thần người cao tuổi. Ở Belong, những người sáng lập đã tích hợp viện dưỡng lão với nhà trẻ. Người cao tuổi hay cư dân viện dưỡng lão có quyền lựa chọn tới chơi, trông nom, chăm sóc những đứa trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, tất nhiên là dưới sự giám sát của những điều dưỡng chuyên nghiệp. Nhận xét của những người đã gửi con vào nhà trẻ với những người bắt buộc phải đưa bố mẹ mình vào viện dưỡng lão này đều nhận định rằng, tinh thần của cha mẹ họ tốt hơn hẳn và những đứa trẻ cũng học được nhiều điều hay hơn bạn bè trang lứa. Cả hai nhóm người đều được chăm sóc về tinh thần. Và khoảng thời gian họ yêu thích nhất, là đi dạo ở bờ sông với một loạt xe đẩy, xe nôi, xe lăn và xe tập đi.
Bình luận của bạn