Bác sĩ chia sẻ những dấu hiệu bạn cần kiểm tra tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ

5 thói quen tốt cho sức khỏe tuyến giáp

Mổ u tuyến giáp liệu có tái phát không?

Những thông tin cần biết về mổ u tuyến giáp

Tuyến giáp là gì và hoạt động thế nào?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, có chức năng sản xuất và bài tiết hormone tuyến giáp (thyroxin). Hormon tuyến giáp có vai trò chính trong kiểm soát quá trình trao đổi chất và cách cơ thể sử dụng năng lượng. Đôi khi, tuyến giáp không hoạt động bình thường, gây rối loạn một số chức năng trong cơ thể.

Chia sẻ với trang New York Post, Tiến sĩ Kepal N. Patel, Trưởng khoa Phẫu thuật nội tiết, kiêm Đồng Chủ nhiệm bộ môn Tuyến giáp của Trung tâm y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết hơn 12% người Mỹ sẽ mắc bệnh tuyến giáp tại một thời điểm trong đời. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Triệu chứng nào cảnh báo sớm bệnh tuyến giáp?

Các vấn đề về tuyến giáp được phân loại thành nhiều bệnh khác nhau, mỗi loại có các triệu chứng riêng biệt. Tuy nhiên, nhìn chung các dấu hiệu cảnh báo sớm, bao gồm rối loạn nhịp tim (chậm hoặc nhanh); Thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân (tăng hoặc giảm); Nhạy cảm với nhiệt độ; Trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi kéo dài và kinh nguyệt không đều.

Trong đó, suy giáp là một bệnh tuyến giáp phổ biến, khi chức năng cơ quan này hoạt động kém. Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân và thường cảm thấy lạnh. Điều này có thể là kết quả của bệnh Hashimoto - một rối loạn tự miễn mạn tính. Thiếu iod cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giáp. Ngoài ra, căn bệnh này cũng gặp ở một số trẻ bẩm sinh đã thiếu tuyến giáp hoặc tuyến giáp kém hoạt động.

Còn cường giáp là hiện tượng tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể gây lo lắng, sụt cân, tim đập nhanh và cảm thấy nóng bất thường. Hiện tượng này thường liên quan đến bệnh Graves - một tình trạng tự miễn kích thích tuyến giáp quá mức. 

Theo Tiến sĩ Kepal N. Patel, nhận biết sớm các triệu chứng là chìa khóa để quản lý và điều trị bệnh về tuyến giáp hiệu quả.

“Bạn nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết, khi các triệu chứng xuất hiện liên tục mà không rõ nguyên nhân, hoặc không cải thiện dù được điều trị ban đầu”, tiến sĩ Kepal N. Patel nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên đi khám khi phát hiện cổ có những thay đổi bất thường về hình dạng. Bệnh tuyến giáp cũng có khả năng di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Những ai có người thân mắc bệnh cũng cần đi khám định kỳ để được theo dõi, phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh tuyến giáp điều trị thế nào?

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể của từng người. Mục tiêu là đưa nồng độ hormone tuyến giáp của bệnh nhân trở lại mức bình thường.

Đối với cường giáp, các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc ức chế sản xuất hormone của tuyến giáp, liệu pháp iod phóng xạ để phá hủy các tế bào tuyến giáp và giảm sản xuất hormone hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Những người trải qua phẫu thuật hoặc liệu pháp iod phóng xạ có thể cần phải thay thế hormone tuyến giáp suốt đời. Còn suy giáp chủ yếu được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp.

Làm thế nào để giữ tuyến giáp khỏe mạnh?

Để tuyến giáp luôn khỏe mạnh, Tiến sĩ Kepal N. Patel khuyên mọi người nên có một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đủ iod. Bên cạnh đó, nên tập thể dục thường xuyên, quản lý căng thẳng, tránh thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại và kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ.

 
Lê Tuyết (Theo New York Post)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu