Nhiều món ăn ngày Tết dư thừa, ăn xong phải bảo quản cẩn thận mới có thể dùng lại - Ảnh: T.T.D.
Bí quyết giữ thực phẩm tươi lâu hơn
Bí quyết bảo quản thực phẩm thừa sau Tết
Bảo quản thịt cá: Chỉ nhét vào tủ lạnh là xong?
Tủ lạnh biến thành ổ vi khuẩn vì bảo quản thức ăn sai cách
Những năm gần đây, dù các chợ, siêu thị mở cửa xuyên suốt nhưng với tâm lý nhà cửa phải đủ đầy gạo, muối, thức ăn thì mới sung túc đầu năm và còn thết đãi người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến chúc tết nên nhiều người vẫn chọn cách trữ đủ thức ăn cho cả tuần.
Việc trữ thức ăn không đúng cách có thể gây ra những nguy cơ như làm mất chất dinh dưỡng, nhiễm độc chéo, ngộ độc thực phẩm...
Chỉ nên mua vừa đủ dùng
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tốt nhất chỉ nên mua thực phẩm vừa đủ dùng và cất vào tủ lạnh để bảo quản.
Thực phẩm nào cũng nên để trong tủ lạnh nhằm đảm bảo an toàn và giữ chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Tuy nhiên, không nên chất san sát nhau, giữa các thực phẩm phải có khoảng trống để luồng khí lưu chuyển được.
“Mọi người nên chia thực phẩm thành các phần ăn tương thích và cất trong tủ lạnh, không nên trữ quá nhiều vào một hộp rồi mỗi lần lấy ra ăn không hết lại để vào, như vậy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - BS. Ngọc Diệp lưu ý.
Đối với rau củ quả nên tỉa sạch những phần giập rồi cho vào những túi nilông chuyên dụng và cất vào ngăn đựng rau trong tủ lạnh.
Đã mở bao bì, phải sử dụng trong một tuần
Một vấn đề khác cần lưu ý là về hạn sử dụng của các loại thực phẩm. “Khi mở bao bì, thực phẩm tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì không thể căn cứ vào hạn sử dụng trên bao bì mà trữ thực phẩm lâu như vậy được” - BS. Ngọc Diệp chia sẻ.
Cụ thể, đối với những thực phẩm chế biến sẵn dạng khô như các loại khô, cá, mực, lạp xưởng... thì sau khi cắt bao bì chỉ nên dùng trong một tuần, dù hạn sử dụng ghi trên bao bì có thể là vài tháng hay lâu hơn.
Tương tự, với các loại thực phẩm chế biến sẵn, ăn liền như giò chả, giò thủ thì hạn dùng tối đa sau khi cắt bao bì là ba ngày.
Về các loại thức ăn nấu tại nhà, tốt nhất là ăn trong ngày, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi thì càng không nên sử dụng thức ăn hâm đi hâm lại hay để từ ngày này qua ngày khác.
Mọi người cần lưu ý khi thấy thực phẩm có biểu hiện khác thường thì nên bỏ ngay, không nên tiếc hay tiết kiệm mà ráng ăn vào rồi sinh bệnh về sau.
Bảo quản trái cây chưng tết thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong - Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết khi mua trái cây về, mọi người nên cắt tỉa cuống, lá cho gọn gàng, sau đó rửa sạch để giảm bớt mầm bệnh trên bề mặt và lau khô trước khi chưng.
Về mặt thẩm mỹ, nhiều người thích giữ cuống dài để mâm ngũ quả nhìn đẹp mắt hơn nhưng nếu cuống quá dài thì trái cây dễ bị mất nước, dẫn đến việc hư nhanh hơn.
Khi chưng mâm ngũ quả nên để cách xa khu vực đốt nhang và chỗ quá nắng, nóng vì khói nhang, nhiệt độ cao sẽ làm trái cây nhanh chuyển màu, rụng cuống...
Tốt nhất là nên để mâm ngũ quả ở nơi càng thoáng mát càng tốt, như vậy trái cây sẽ được bảo quản lâu hơn.
Thức ăn chín và thức ăn sống phải để cách ly theo từng ngăn với các vùng nhiệt độ phù hợp. Chẳng hạn đồ tươi sống như thịt cá, hải sản... cần phải để ở ngăn đông với nhiệt độ từ -14 độ trở lên.
Thực phẩm đã chế biến, làm chín thì nên để vào hộp chuyên dụng, đóng kín lại và tùy vào thời gian định lấy ra sử dụng mà để vào ngăn mát hay ngăn đông.
Bình luận của bạn