- Chuyên đề:
- Phòng tránh virus Zika
Virus Zika là nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh
Mỹ thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống Zika trên người
Vận động học sinh, sinh viên tham gia chống dịch Zika
Miền Bắc trời trở rét, liệu virus Zika có lưu hành?
Làm gì để ứng phó với virus Zika?
Bé gái 4 tuổi ở Long An vừa phát hiện nhiễm virus Zika khiến phụ huynh rất hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng như thế vì chỉ có khoảng 20% số người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng như: Sốt, phát ban, đau khớp nhưng hầu hết các trường hợp đều nhẹ và sẽ tự khỏi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh ở trẻ em hầu hết là nhẹ so với người lớn. Hiện trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp trẻ tử vong hay ảnh hưởng thần kinh sau khi nhiễm virus này. Tuy nhiên, bệnh có thể gây nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì có thể gây biến chứng dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh.
Chứng đầu nhỏ ở trẻ ngoài nguyên nhân do bệnh Zika còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như: Nhiễm virus rubella, trực khuẩn giang mai, ký sinh trùng, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền… và chỉ có khoảng 10% thai phụ khi mắc Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ mà thôi, làm ảnh hưởng đến trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt. Do đó, khi sinh ra, nếu trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc người mẹ có tiền sử bị nhiễm virus Zika thì đứa trẻ cần phải được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh nếu có.
So với sốt xuất huyết thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày thứ hai có thể gây các biến chứng như chảy máu chân răng, chảy máu cam; Nghiêm trọng hơn là chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc và nguy cơ tử vong rất cao.
Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận có bệnh nhân Zika ở TP.HCM, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An. Mới đây, Đắk Lắk phát hiện một em bé 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ chính thức được xác nhận là do virus Zika, trong thai kỳ mẹ bé có hai lần bị sốt và phát ban.
Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cần nâng cao hơn nữa ý thức khám thai định kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, nếu phụ nữ dự định có thai hoặc đang có thai mà phải đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, và nhất là khi có triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế khám ngay.
Hiện nay, Zika là một vấn đề hết sức nóng bỏng, tuy nhiên các bà mẹ không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Cần phải hết sức bình tĩnh và tích cực phòng chống bằng việc tăng cường tìm diệt lăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc như: Thay nước lọ hoa ít nhất một lần/tuần, đậy kín các vật dụng chứa nước, dọn dẹp các vật dụng có khả năng chứa nước không cần thiết như: Thau bể, vỏ dừa, chai lọ... phòng chống muỗi đốt bằng việc ngủ màn (mùng) kể cả ban ngày, phun thuốc diệt muỗi, dùng kem bôi da chống muỗi đốt, xông nhang muỗi, cho trẻ mặc quần dài và áo dài tay, không cho trẻ chơi ở những nơi thiếu ánh sáng trong nhà, sắp xếp gọn gàng quần áo tránh sự ẩn nấp của muỗi...
Nếu đến vùng dịch, sau khi về cần phải chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi đốt trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, tình dục an toàn với việc sử dụng bao cao su ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Hãy tích cực và chung tay cùng nhau phòng chống muỗi đốt và tiêu diệt lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con em và cả của chúng ta.
BS Hồ Văn Cưng
Bình luận của bạn