Bệnh đường tiêu hóa: Dễ mắc khó chữa

Trong các bệnh lý do những thay đổi về môi trường sống, chế độ dinh dưỡng đem lại thì rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp.

Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa có thể bị nhầm với căn bệnh khác, đặc biệt là trào ngược dạ dày - thực quản


Căn bệnh phổ biến

Bệnh đường tiêu hóa là bệnh chạy dọc theo ống tiêu hóa, từ miệng, thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng, trực tràng, hậu môn…

Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột... Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa.

Theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch – Hội Nội khoa Việt Nam, hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương hơn so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Nguyên nhân quan trọng khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng là ô nhiễm môi trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất…

Các triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa rất dễ phát hiện như khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện, phân không bình thường… Tuy nhiên, điều gây quan ngại là phần lớn người dân và ngay cả các cơ sở y tế vẫn chưa đánh giá đúng mức về tác động có hại của bệnh lý tiêu hóa đối với sức khỏe con người.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng, khám bệnh định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tật


Thay đổi nhận thức để phòng bệnh tốt

Theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, các bệnh đường tiêu hóa dễ mắc, dễ tái phát nhưng lại khó điều trị do ý thức của người dân về bệnh chưa cao, không quan tâm đến bệnh, cũng như sự hợp tác với bác sỹ không đầy đủ. Đây không phải là vấn đề mới của ngành y tế nói riêng và cộng đồng nói chung. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là các xét nghiệm phục vụ bệnh đại tràng hiện nay chưa được tốt. Nó góp phần làm giảm độ chính xác của kết luận bệnh. Ví dụ, với xét nghiệm phân mới chỉ là những xét nghiệm thô sơ (soi vi trùng, vi khuẩn trên kính hiển vi), chưa thực hiện được các xét nghiệm chuyên sâu như nuôi, cấy các vi khuẩn, vi trùng, virus, nấm… - những nguyên nhân gây bệnh đại tràng thường gặp ở Việt Nam…

Dùng TPCN cần có sự tư vấn của thầy thuốc


Cũng theo GS. Trạch, với sự đa dạng của bệnh đường tiêu hóa hiện nay, người bệnh cần quan tâm đến những căn bệnh có thể mắc phải trong từng lứa tuổi và có giải pháp để phát hiện bệnh sớm nhằm giúp cho việc trị bệnh đạt hiệu quả. 

Sử dụng các sản phẩm TPCN kết hợp với thuốc điều trị có thể giúp tình trạng bệnh giảm nhanh chóng, giảm nguy cơ tái phát nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, người bệnh nên xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp và có sự tư vấn của thầy thuốc điều trị trước khi dùng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa