Bệnh mạn tính có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị. Ảnh minh họa
Cách phát hiện sớm bệnh mạn tính ở người già
Hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính bằng nhu châm
Rượu ớt: Lợi ích cho bệnh mạn tính
Rau quả, hạt thô kéo giảm nguy cơ bệnh mạn tính
Suýt chết vì lười
Ông T.N.T. (58 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) mới nhập viện Bệnh viện Trưng Vương vì chảy máu mũi rất nhiều, phải dùng khăn lau mặt thấm máu, đầu tiên là một bên, sau đó chảy cả hai bên mũi. Đo huyết áp cho ông T., nhân viên y tế thấy tăng rất cao: 190/100mmHg. Sau khi bác sỹ xử lý khống chế được huyết áp thì máu mũi của bệnh nhân ngưng chảy hẳn.
"Để hạn chế tình trạng bỏ dở điều trị ở người bệnh cần sự phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, người bệnh phải lạc quan, có ý thức tuân thủ điều trị. Kế đến, sự hỗ trợ của cán bộ y tế, người thân trong gia đình và bạn bè của người bệnh là yếu tố quan trọng đảm bảo việc tuân thủ trong điều trị của người bệnh".
BS. Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Trưng Vương
Khi được hỏi, ông T. chia sẻ rằng đã mắc bệnh tăng huyết áp từ lâu, nhưng hơn một năm nay ông không đi khám bệnh và không uống thuốc đều, đồng thời ngày nào cũng uống bia. Lý do ông T. không đi khám bệnh là vì thấy trong người khỏe, bận công việc và chủ yếu là do lười.
Theo các bác sỹ điều trị, trường hợp của ông T. là một tình huống nguy hiểm ở người bệnh tăng huyết áp, vì áp lực máu tăng quá cao nên gây ra cảnh “tức nước vỡ bờ”. Cũng may là máu chảy ở vùng mũi, nếu chảy trong não có thể làm người bệnh tử vong hoặc bán thân bất toại.
Hay như trường hợp của ông T.V.S. (63 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM), bị bệnh đái tháo đường type 2 được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Mặc dù bệnh của ông S. đã được các bác sỹ kiểm soát tốt, nhưng ông vẫn nghe theo lời khuyên của người cháu bỏ điều trị ở bệnh viện để chuyển qua dùng thuốc của thầy lang. Kết quả, sau 3 tháng điều trị ông S. bị sụt cân, tiểu đêm nhiều lần, cơ thể mệt mỏi, đường huyết và mỡ máu đều tăng cao…
Các chuyên gia y tế cũng nhận định, việc bệnh nhân bị bệnh mạn tính bỏ dở điều trị không chỉ đơn thuần là ngưng dùng thuốc, ngưng đi khám trong một thời gian dài, mà còn là việc họ quay lại lối sống không có lợi cho sức khỏe như ít vận động, ăn nhiều chất béo, chất ngọt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… Và điều này sẽ làm cho bệnh tăng nặng hơn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.
Học cách sống chung với bệnh
Thực tế cho thấy không ít bệnh nhân bị bệnh mạn tính chỉ quan tâm điều trị bệnh trong các đợt cấp. Sau điều trị thấy bệnh ổn định thì cho rằng bệnh đã khỏi nên không dự phòng tái phát cũng như kiểm soát các biến chứng của bệnh. Trong khi đó, đối với các bệnh mạn tính, mục đích điều trị là giúp bệnh ổn định trong thời gian dài, hạn chế các biến chứng mà không thể chữa bệnh khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, người bị bệnh mạn tính cần học cách sống chung với bệnh bằng cách trang bị kiến thức về bệnh, cách kiểm soát hiệu quả diễn biến của bệnh. Đặc biệt, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sỹ để có kế hoạch và phương pháp điều trị lâu dài hiệu quả nhất.
Theo ThS.BS Phạm Trường Sơn - Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: “Mục tiêu điều trị của tăng huyết áp là kiểm soát được chỉ số huyết áp, nhờ đó làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các biến chứng. Các biện pháp điều trị tăng huyết áp gồm: Điều chỉnh lối sống, dùng thuốc và các giải pháp hỗ trợ điều trị khác. Và để bệnh ổn định trong thời gian dài người bệnh cần tuân thủ việc điều trị trong thời gian dài, thậm chí là suốt đời". Các biện pháp được áp dụng trong điều chỉnh lối sống được khuyến cáo bao gồm: Giảm cân nếu thừa cân; Hạn chế lượng muối ăn; Nạp vừa đủ lượng calci, kali vào cơ thể; Tăng cường lượng rau xanh và trái cây hàng ngày; Giảm chất béo toàn phần và chất béo bão hòa; Tăng lượng cá có nhiều chất béo trong bữa ăn; Hạn chế rượu, bia, cà phê và các chất kích thích; Ngừng hút thuốc lá; Tăng cường vận động thân thể.
Còn đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp điều trị của bác sỹ về việc sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để hạn chế tiến trình phát triển của bệnh. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày, lựa chọn những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp nhưng vẫn cân bằng các nhóm thực phẩm bột đường, nhóm cung cấp đạm, cung cấp chất béo, vitamin khoáng vi lượng…
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để cân bằng trạng thái cơ thể, hạn chế các rối loạn về tâm lý. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Bình luận của bạn