Bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm tính mạng sau nhổ răng khôn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân N.V.Th. sau phẫu thuật - Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức.

Có nên nhổ răng khôn mọc lệch, nhổ răng khôn có biến chứng gì?

Những điều cần lưu ý sau khi nhổ răng khôn

Ăn gì để nhanh hồi phục sau khi nhổ răng khôn và phòng ngừa biến chứng?

Podcast: Có nên nhổ răng khôn không?

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau khi nhổ răng số 3.8 (hay còn gọi là răng khôn, nằm tại vị trí hàm dưới bên trái trên cung hàm) cách đây gần 1 tháng, anh Th. bị sưng đau hàm, sốt và được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm và hướng dẫn vệ sinh răng miệng.

Tuy nhiên, tình trạng của anh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Ban đầu, anh chỉ bị sưng đau hàm, sau đó hàm cứng dần, đau lan xuống cổ, khiến anh khó ăn uống và vệ sinh. Nguy hiểm hơn, anh Th. còn gặp khó thở do đờm tăng tiết nhưng lại khó khạc ra. Do tình trạng khó thở và đau đớn ngày càng tăng, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Tại bệnh viện, anh Th. tỉnh táo, sốt, há miệng hạn chế, hơi thở hôi, sưng đau cả hai bên hàm, đặc biệt là vùng góc hàm trái sưng đau lan xuống nền cổ. Kết quả chụp X-quang cho thấy chỗ răng 3.8 đã mất, ổ dịch khí và lan đến vùng cơ giáp móng ở cổ. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mổ mở ổ áp xe cho bệnh nhân.

Bệnh nhân khi đến khám miệng khó há, khó thở do nhiều đờm dãi và sưng chèn khí quản - Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức.

Bệnh nhân khi đến khám miệng khó há, khó thở do nhiều đờm dãi và sưng chèn khí quản - Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức.

Theo BSCKII Trần Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và là người trực tiếp điều trị bệnh nhân sau phẫu thuật, đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh có đặc điểm hoại tử lan rộng, không giới hạn ở vùng sàn miệng có thể lan xuống trung thất.

"Nhiễm khuẩn gây ra do cả vi khuẩn ưa khí và kỵ khí phối hợp, do đó tình trạng toàn thân rất nặng và tiên lượng xấu. Ngoài ra, hầu hết các nhiễm khuẩn từ các chân răng hàm lớn hàm dưới trên bệnh nhân có đái tháo đường suy giảm miễn dịch nên rất dễ lan qua xương hàm vào vùng sàn miệng, tiếp đến qua tổ chức dưới da vùng cổ lan xuống trung thất. Ngoài nguyên nhân từ răng, viêm tấy lan tỏa sàn miệng còn do viêm cấp áp xe hóa tuyến nước bọt dưới hàm, viêm hoại tử hạch bạch huyết dưới hàm…", bác sĩ Tuấn Anh cho biết.

Các bác sĩ cũng cho hay bệnh viện từng điều trị nhiều trường hợp viêm tấy sàn miệng lan tỏa hầu hết nguyên nhân do răng, đến sớm điều trị bằng phẫu thuật kịp thời, mang lại kết quả tốt.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp diễn biến nặng phải mổ đi mổ lại nhiều lần để xử lý ổ áp xe viêm lan xuống trung thất, gây tử vong do bệnh nhân đến muộn. Đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng như đái tháo đường, xơ gan rượu trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc hôn mê, mặc dù được phẫu thuật và hồi sức cũng vẫn không qua được.

Bệnh nhân có thể tử vong do áp xe chèn ép trực tiếp đường thở gây khó thở, do nhiễm trùng nhiễm độc nặng, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng…

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có vấn đề răng miệng nên được xử lý điều trị tại các cơ sở uy tín. Khi có vấn đề cần được theo dõi và xử lý bởi các bác sĩ chuyên khoa.

 

Viêm tấy sàn miệng lan tỏa là bệnh nhiễm trùng trên 90% liên quan đến nhiễm trùng vùng răng miệng, hay xảy ra ở bệnh nhân đái đường và nguy cơ tử vong cao.

Việt nam hiện nay tỉ lệ người mắc đái tháo đường chiếm khoảng 7,3% dân số, trong số những người này khi có bệnh lý về răng miệng nếu không được điều trị tích và cực kịp thời rất dễ gây viêm nhiễm trùng lan toả hàm mặt, có thể lan xuống cả trung thất làm tỉ lệ tử vong cao.

 
Việt An (Theo BV Hữu nghị Việt Đức)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội