Sốt xuất huyết bùng phát, TP.HCM kêu gọi toàn dân chống dịch

Phụ huynh nên nhân biết sớm các dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời

Dịch sốt xuất huyết gia tăng: Làm gì để không mắc bệnh?

Nhận diện loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

TP.HCM: Sốt xuất huyết hoành hành, cộng đồng vẫn thờ ơ

Theo báo cáo của BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, đến đầu tháng 8/2015, tổng số ca mắc sốt xuấy huyết được ghi nhận từ các cơ sở y tế trên địa bàn đã lên tới 6.104 trường hợp, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo, bệnh đang có chiều hướng tiếp tục tăng nhanh trong tháng 8 và tháng 9.

Sốt xuất huyết hiện đã ghi nhận ở tất cả các quận huyện, trong đó điểm nóng của dịch đang tập trung tại Quận 8, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp. Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng, khu vực Nam Bộ đang đi sâu vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ sốt xuất huyết phát triển mạnh và lây lan trên diện rộng.

Trước tình hình trên, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND thành phố, vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành y tế quyết liệt triển khai phòng chống sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm nhằm giảm số người mắc, người chết, giảm ổ dịch, khống chế không để xảy ra dịch lớn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Các bệnh viện phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân khi dịch bùng phát mạnh.

UBND thành phố yêu cầu ngành y tế phải giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ. Trong tháng 8, Sở Y tế phải có trách nhiệm tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống muỗi sốt xuất huyết cho cộng đồng tại tất cả các phường xã.

Cùng với việc chỉ đạo các ban ngành liên quan rốt ráo triển khai chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết, UBND thành phố kêu gọi toàn dân dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần để thu dọn các vật phế thải, dụng cụ chứa nước không sử dụng đến, thực hiện các biện pháp tìm diệt lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà vào mỗi thứ 7 và chủ nhật, với phương châm không có lăng quăng không có muỗi sẽ không có bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh khá phổ biến, tuy nhiên bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt phát ban, nhiễm siêu vi, viêm họng… ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: Sốt xuất huyết thường có triệu chứng chính là sốt đột ngột và kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày, người bệnh thường mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, kèm theo đau bụng, nôn ói, đau vùng thượng vị, tiêu chảy.

Từ ngày thứ 3, người mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện da ửng đỏ, xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, có thể gặp tình trạng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra phân đen. Ở bé gái hoặc phụ nữ, dù chưa đến kỳ kinh nguyệt nhưng có hiện tượng chảy máu âm đạo... Các dấu hiệu trên là biểu hiện của tình trạng bệnh kịch phát chuyển sang giai đoạn sốc sốt xuất huyết. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 11 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng có 3 trẻ ra đi vì căn bệnh này. BS Tuấn cho biết, nguyên nhân tử vong của 3 bệnh nhi là do người nhà phát hiện bệnh trễ, khi được chuyển đến bệnh viện, các bé đã rơi vào tình trạng sốc quá nặng. Để tránh những trường hợp thương tâm khác, bác sỹ khuyến cáo người nhà nên tìm hiểu và nắm rõ các dấu hiệu của bệnh, trường hợp sốt cao 3 ngày không thuyên giảm nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường chỉ muốn nằm một chỗ, không muốn ăn uống. Để tránh tình trạng người bệnh suy kiệt, bác sỹ khuyến cáo thân nhân không nên cho người bệnh ăn những thức ăn khó tiêu, nên cho bệnh nhân uống nhiều nước, ăn cháo hoặc súp, uống nước ép trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể; không nên uống xá xị, coca hoặc các thức uống có màu nâu đen bởi khi thăm khám bệnh, bác sỹ dễ nhầm lẫn tình trạng xuất huyết tiêu hóa và loại nước bệnh nhân đã uống.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin