Nhận diện loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn Ades là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

TP.HCM: Sốt xuất huyết hoành hành, cộng đồng vẫn thờ ơ

Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết do... lọ hộp vứt quanh nhà

Dịch sốt xuất huyết gia tăng khi mùa mưa tới

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tipe gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tipe cho nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. 

Muỗi vằn Ades aegypty là vector chính trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết rõ những đặc điểm sinh sống, hoạt động của loài muỗi này có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết như thế nào, nên chưa tích cực phòng chống hoặc phòng chống chưa tốt. Từ đó bệnh sốt xuất huyết hằng năm vẫn cứ “đến hẹn lại lên”.

Nhận diện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

 - Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. 
- Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. 
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. 

 Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.

Nơi sinh sản của muỗi Aedes 

Muỗi Aedes aegypti sinh sôi ở những khu vực có nhiều người (đô thị).

 Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước trong nhà và khu vực quanh nhà (chai lọ, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng... có nước đọng).

Trứng nở khi tiếp xúc với nước. trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng. Trong suốt đời chúng, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng.

Muỗi trưởng thành “thường” trú đậu ở những chỗ tối trong nhà (tủ, hốc, gậm giường, sau rèm). Ở những chỗ đó chúng tránh được gió, mưa và phần lớn các loài ăn thịt, giúp chúng sống lâu hơn và khả năng chúng sẽ sống đủ lâu để nhiễm virus từ một người bệnh nào đó và truyền cho người khác cũng tăng lên. 

 

Vòng đời của muỗi vằn Ades.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Bác sỹ Lê Xuân Thủy - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt:

- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. 

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 47 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 trường hợp tử vong, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 362 ca sốt xuất huyết tại 25/30 quận, huyện, thị xã.

Trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh cũng đang bước vào đỉnh dịch, chỉ riêng trong tháng 7/2015 số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong TP là 948 ca, tăng 63% so với tháng 6 (583 ca). Trong 7 tháng năm 2015, TP có 6.033 ca sốt xuất huyết, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng cao từ giữa tháng 7. So với năm 2014 mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn 9 tuần. Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng lan rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mặc dù so với giai đoạn 2010 - 2014, số người mắc SXH năm 2015 của cả nước giảm 32,2%, tử vong giảm 45,9%. Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin