Viêm não: Cuối mùa nhưng bệnh nặng vì chủ quan

Bệnh nhi điều trị viêm não tại phòng cấp cứu, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (Ảnh: VnExpress)

Chủ động phòng bệnh viêm não virus

Viêm não NB, viêm não virus: Hiểu đúng để phòng bệnh đúng

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản

Bé gái nhập viện sau tiêm vaccine: Có thể do viêm não

Số ca viêm não virus tăng gần 11%

Đa số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn ói, lừ đừ, co giật, sau đó hôn mê. Bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp, phù não, phải thở máy, có thể để lại di chứng. Số ca bệnh tay chân miệng, viêm màng não tuy không tăng đột biến nhưng những ca bệnh nặng vẫn nhập viện rải rác.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1: “Thông thường thời gian cao điểm dịch mọi người rất cảnh giác chú ý nên bệnh thường được phát hiện, chữa trị sớm. Ở những thời điểm dịch không còn rộ mọi người thường lơ là, ít cảnh giác nên bệnh dễ bị bỏ sót, lúc nhập viện đã diễn tiến nặng”.

Những trẻ nhập viện vì viêm não đa số là trẻ lớn, chưa được tiêm chủng. Điều quan trọng phụ huynh cần biết là viêm màng não và viêm não Nhật Bản là 2 bệnh khác nhau. Do vậy dù đã tiêm chủng viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não. Ngoài ra dù đã tiêm chủng vaccine phòng viêm màng não do HIB thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não vì bệnh có thể do nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng gây ra.

Bệnh viêm não do nhiều loại virus gây ra như Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị,... Nguồn lây bệnh là những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa... Muỗi đốt động vật chứa mầm bệnh rồi đốt người truyền bệnh cho người. Bệnh gây viêm màng não, viêm não để lại di chứng, hôn mê, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não.

Do việc điều trị cũng rất khó khăn và nhiều di chứng nên phương châm đối phó với bệnh viêm não do virus là “phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bản thân bệnh viêm não thì không thể phòng ngừa được, nhưng chúng ta có thể phòng ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm não. Đó là các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như sởi, quai bị, thủy đậu... Phòng bệnh viêm não do Arbovirus chủ yếu là chống muỗi đốt và diệt muỗi, chống muỗi đốt có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Đối với bệnh viêm não đã có vaccine như viêm não Nhật Bản B thì tiêm vaccine cho cả trẻ em và cả người lớn để bảo vệ.

Bệnh viêm màng não thường cao điểm vào cuối năm khoảng từ tháng 12 đến tháng 1, bệnh tay chân miệng tập trung nhiều vào mùa nắng nóng khoảng tháng 5 đến tháng 10.
Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn