PGS.TS Lê Thị Luân, một trong hai nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013
“May mắn, tôi được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng chọn tham gia. Họ đề nghị các chuyên gia đưa ra ý tưởng làm thế nào để có vaccine ngừa tiêu chảy tốt nhất. Đây cũng là lý do tôi đề xuất đề tài nghiên cứu vaccine Rota cho trẻ”, PGS.TS Lê Thị Luân cho biết.
Thành công có hình bóng rất lớn của gia đình
Trước đây, chồng chị - một Kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là một người rất bận rộn, “nhưng việc nhà anh lo hết để tôi tập trung vào chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Từ chăm sóc, dạy dỗ các con đến những việc trong gia đình, anh không để tôi phải bận lòng. Năm 2001, anh bị mắc một chứng bệnh hiếm có trên thế giới, sau 2 năm điều trị, chạy chữa thuốc thang rất nhiều nơi nhưng anh không qua khỏi”, PGS.TS Lê Thị Luân xúc động nói.
Chồng mất khi công việc nghiên cứu vẫn còn bộn bề và chưa có kết quả, hai con của chị, một bắt đầu vào cấp 2, một bắt đầu vào cấp 3 càng khiến chị thêm khó khăn hơn. “Lúc đó tôi suy sụp tinh thần lắm. Các con lại đang ở thời điểm rất cần sự quan tâm, chăm sóc nên tôi phải gần 1 năm sau mới lấy lại được thăng bằng. Cũng may, gia đình bên nhà chồng, đã luôn bên tôi và các con để động viên, chăm sóc, cho tôi sự thành công ngày hôm nay”, chị Luân tâm sự.
“Với nam giới, việc nghiên cứu khoa học có thể không vướng bận nhiều đến chuyện gia đình, nhưng với nữ giới thì dù làm gì vẫn phải chu toàn tất cả. Trước đây, khi còn chồng bên cạnh, tôi yên tâm tập trung vào công việc, chuyện dạy dỗ chăm sóc con anh hỗ trợ rất nhiều nhưng khi chồng mất, sau 1 năm, tôi phải sắp xếp lại toàn bộ kế hoạch để không bị, xáo trộn trong cuộc sống”, PGS.TS Lê Thị Luân cho biết.
Nói về thành công của Việt Nam trong việc tự nghiên cứu và sản xuất vaccine Rota để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em, PGS.TS Lê Thị Luân cho biết, cái được lớn nhất khi tự sản xuất vaccine này là thành tựu của ngành y học dự phòng, để đưa ra một sản phẩm, phòng bệnh cho một loại bệnh rất phổ biến ở trẻ em; cái thứ hai là giúp Việt Nam chủ động phòng bệnh với giá thành giảm đi rất nhiều so với vaccine nhập ngoại; thứ ba là mục tiêu tiêm chủng mở rộng và đưa vào sử dụng miễn phí.
Trong suốt 24 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và sinh phẩm Y tế, mặc dù cùng một lúc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng PGS.TS Lê Thị Luân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, PGS.TS Lê Thị Luân đã được tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 4 Bằng khen của các bộ, ngành; 2 Bằng lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước; Cúp vàng tại Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam... Đặc biệt, ngày 8/3 vừa qua, PGS.TS Lê Thị Luân đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, một giải thưởng lớn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.
Nhưng trên hết, ở góc độ của một người phụ nữ, chị vẫn tự hào khi nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà”. “Làm nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng là máy tính, kính hiển vi và ống nghiệm. Đối với tôi, thời gian vẫn rất cơ động, vẫn dành được những khoảng thời gian để chăm lo và bên gia đình”, PGS.TS Lê Thị Luân tâm sự.
Bình luận của bạn