Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24 đến 31/3), Hà Nội ghi nhận 166 trường hợp mắc thủy đậu. Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 800 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 11 ca. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô không chỉ tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tăng đột biến, mà còn xuất hiện các chùm ca bệnh là người lớn sống chung trong một nhà trọ. Tại một số tỉnh miền Bắc như Lào Cai hay Bắc Kạn, số ca mắc thủy đậu cũng có xu hướng gia tăng.
Bệnh thủy đậu được xem là 1 trong 5 bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất Việt Nam, tỷ lệ mắc rất cao và diễn ra quanh năm, thường gặp nhất là ở trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên. Thế nhưng, số ca mắc tăng cao đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước là một con số bất thường.
Trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+ về vấn đề này, BS, chuyên gia Nhi khoa Đỗ Anh phân tích: "Nếu chúng ta so sánh với thời điểm tầm này năm ngoái, tức là tháng 3- 4/2022, Hà Nội đang có một đợt bùng dịch COVID-19. Hiện tại tình hình dịch đã khác, chúng ta gần như không nhắc gì đến COVID-19 nữa. Những bệnh truyền nhiễm đối với trẻ em, hay nói chung tất cả bệnh truyền nhiễm ở người lớn đều tái xuất hiện bởi vì nhiều lý do."
BS Đỗ Anh chỉ ra 3 nguyên nhân căn bản khiến số ca mắc thủy đậu tăng cao trong 3 tháng đầu năm nay. Lý do thứ nhất, trong hơn hai năm "sống chung" với COVID-19, chúng ta áp dụng biện pháp 5K rất tốt. Vì vậy, những bệnh truyền nhiễm thông thường, đặc biệt đối với trẻ em như bệnh thủy đậu, sởi - rubella và cúm A, cúm B gần như không xuất hiện. Sau khi chúng ta "tái hòa nhập cộng đồng", các biện pháp 5K được nới lỏng, những bệnh truyền nhiễm thông thường rất dễ quay trở lại. Đặc biệt, những thời điểm thuận lợi về mặt thời tiết, về mặt truyền nhiễm như giao mùa Xuân Hè tại miền Bắc cho phép thủy đậu lây lan nhanh ở trẻ em.
Lý do thứ hai là trong giai đoạn dịch, có rất nhiều trẻ đã bỏ lỡ những mũi tiêm cần thiết với độ tuổi. Như vậy, khi quay trở lại "bình thường mới", những đối tượng không được tiêm chủng đầy đủ rất dễ bị nhiễm thủy đậu.
Kết hợp với căn nguyên thứ ba là bởi đặc tính rất dễ lây lan của bệnh thủy đậu. Một khi đã phát hiện các ca nhiễm ở trường học, những ổ dịch nhỏ sẽ xuất hiện lẻ tẻ.
Ngoài ra, BS Đỗ Anh cho rằng, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến những yếu tố quan trọng với sức đề kháng của trẻ như vấn đề về dinh dưỡng, vận động thể chất ở ngoài trời. Hệ miễn dịch suy yếu cũng là một điều kiện thuận lợi để khiến cho trẻ dễ bị mắc bệnh thủy đậu trong thời gian vừa qua.
Thủy đậu hay trái rạ là bệnh lây truyền do virus Varicella zoster. Bệnh gây ra những tổn thương đặc hiệu là những ban đỏ ở trên da, tiến triển thành phỏng nước, sau đó chúng vỡ ra và bong vảy. Ngoài ra, người bị thủy đậu có thể sốt, mệt mỏi, trẻ nhỏ thường bỏ ăn. Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, người mắc sẽ có miễn dịch lâu dài và ít mắc lại lần hai.
Bệnh đa phần lành tính với trẻ em đã được tiêm chủng một cách đầy đủ và có sức khỏe tốt, tỷ lệ biến chứng nguy hiểm xuất hiện rất nhỏ. Tuy nhiên, thủy đậu không hoàn toàn vô hại. Trước khi vaccine thủy đậu được phê duyệt tại Mỹ vào năm 1995, hầu hết người dân nước này đều mắc bệnh thủy đậu trước khi đến tuổi trưởng thành. Mỗi năm virus Varicella zoster gây ra khoảng 4 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu, trong đó có 11.000 trường hợp nhập viện và 100-150 trường hợp tử vong.
Về những biến chứng do thủy đậu, BS Đỗ Anh cảnh báo: "Với những trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và có bệnh nền, biến chứng và những biểu hiện thủy đậu thường rất nặng. Có thể kể đến các biến chứng như nhiễm khuẩn da do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu cư trú ở trên da; Viêm phổi, viêm tai giữa; Nguy hiểm hơn là viêm não, viêm màng não, viêm tim." phụ nữ mang thai chẳng may mắc thủy đậu, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sảy thai, thai lưu rất cao.
Cũng theo BS Đỗ Anh, thủy đậu không có phương pháp điều trị đặc hiệu, nên chúng ta phải điều trị triệu chứng thật tốt.
Virus thủy đậu lây từ người sang người qua tiếp xúc gần (cầm tay, nắm tay, ôm hôn); Hay qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, hoặc gián tiếp qua vật dụng mà người bệnh sử dụng (quần áo, bát thìa, đũa, khăn). Để phòng bệnh thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với người mắc qua những con đường lây truyền trên.
Ngoài hạn chế tiếp xúc, biện pháp chủ động phòng tránh thủy đậu là rửa tay thường xuyên; Thay quần áo; Súc miệng, xịt rửa mũi đều đặn. Người lớn chăm sóc trẻ bị thủy đậu nên chủ động áp dụng những biện pháp trên để tránh lây bệnh với những đối tượng nguy cơ khác như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
Bình luận của bạn