Bộ Y tế gặp mặt 30 cô đỡ thôn, bản tiêu biểu

Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ gặp mặt - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản

Bộ Y tế tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngành y là ngành đặc thù, áp lực rất lớn

Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền dành sự quan tâm hơn nữa với ngành Y tế!

Được biết, 30 cô đỡ thôn, bản (CĐTB) tiêu biểu lần này đại diện cho hơn 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Họ là người dân tộc thiểu số (DTTS), được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Thông qua dự án “Cô đỡ thôn” của Bộ Y tế, họ đã được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 6 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Do cùng sống trong cộng đồng bản địa, hiểu phong tục tập quán, có cùng ngôn ngữ, CĐTB đã dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản, buôn làng. Kể từ khi những CĐTB đầu tiên được đào tạo cách đây 30 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh.

Là một người tham gia buổi gặp mặt CĐTB tiêu biểu, cô đỡ Vàng Thị Mỉ, bản Hang Hóc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Đường đi lên các thôn khá xa và nguy hiểm, có những ngày mưa không đi xe được em phải đi bộ khoảng 1-2 tiếng mới tới nơi. Trong gần 6 năm làm công việc cô đỡ dù có vất vả nhưng em vẫn rất vui vì giúp được bà con. Đặc biệt, kiến thức về mang thai, chăm sóc sau sinh của bà con trong thôn cũng được cải thiện rõ rệt".

Cô đỡ Vàng Thị Mỉ đã có gần 6 năm tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Ảnh: Việt An/sức khỏe+

Cô đỡ Vàng Thị Mỉ đã có gần 6 năm tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Cũng như cô đỡ Mỉ, 30 CĐTB tại lễ gặp mặt và hàng nghìn CĐTB dù vất vả, thậm chí đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng khi chọn nghề thì họ vượt lên tất cả, với một tấm lòng yêu thương, mong muốn các chị em phụ nữ ở khu vực khó khăn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ suất tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm từ 165/100.000 trẻ đẻ sống năm 2000 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2019.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ CĐTB, đồng thời nhấn mạnh: CĐTB là đội ngũ rất quan trọng, là những cánh tay nối dài của ngành y tế đi đến tận thôn, bản, hộ gia đình để hỗ trợ chị em phụ nữ trong quá trình thai sản. Bộ Y tế đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhân viên y tế này. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các CĐTB có gặp một số khó khăn, chủ yếu do các chính sách về hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ chưa được thực hiện tốt. Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với CĐTB, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ CĐTB yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực của mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lãnh đạo Bộ Y tế trao quà cho các CĐTB - Ảnh: Việt An/sức khỏe+

Lãnh đạo Bộ Y tế trao quà cho các CĐTB - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Lê Tuyết - Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội