Cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản

Toàn cảnh của hội nghị - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Khi nào chị em nên đi khám sức khỏe sinh sản?

Chị em nên ăn gì để tăng estrogen một cách tự nhiên?

5 thành phần có lợi cho sức khỏe sinh lý

5 cách cân bằng nội tiết tố tự nhiên cho nữ

Với mục tiêu đó, sáng ngày 10/3, tại Hà Nội, đã diễn ra "Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản". Tham dự hội nghị có GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bà Lesley Miller - Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cùng đại diện ban ngành liên quan và truyền thông.

Hiệu quả từ mô hình CĐTB

Phát biểu tại hội nghị ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận công lao to lớn của đội ngũ các CĐTB đã không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công việc của CĐTB tại địa phương có tác động lớn đối với cộng đồng, góp phần tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân, giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại cộng đồng.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (trái) và ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (trái) và ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Trải qua 30 năm hoạt động, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em chưa ghi nhận về các trường hợp tai biến trầm trọng đối với những ca đẻ có sự hỗ trợ của CĐTB. Sự chấp nhận của cộng đồng đối với CĐTB đã khẳng định nhu cầu cần thiết của loại hình nhân viên y tế này.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 1.549 CĐTB đang hoạt động tại 28 tỉnh miền núi, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên.

Thực tế, tại các thôn bản có cô đỡ, kiến thức và thực hành của phụ nữ dân tộc đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện; Tỷ lệ chấp nhận khám thai, đến đẻ tại cơ sở y tế hoặc đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của CĐTB tăng lên. Phụ nữ có thai đã chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đi khám thai, tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt… tại các cơ sở y tế.

Đồng thời, các chỉ số cơ bản như tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý, tỷ lệ khám thai và khám thai đủ 3 lần, tư vấn cho phụ nữ có thai, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế/đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của cô đỡ, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh… tại các thôn bản đều cao hơn rất nhiều so với trước khi có cô đỡ.

Bên cạnh đó, nhờ được phát hiện sớm để chuyển tuyến kịp thời, hàng nghìn ca chết mẹ và trẻ sơ sinh do tai biến thai nghén và chuyển dạ có nguy cơ cao đã được phòng tránh tại các thôn bản xa xôi, hẻo lánh ở vùng dân tộc, vùng núi cao.

Có thể nói rằng, CĐTB là cánh tay nối dài không thể thiếu, giúp ngành y tế vương đến những vùng còn nhiều khó khăn, đây cũng là sáng kiến của người Việt Nam đóng góp với cộng đồng quốc tế trong việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi.

Chế độ đãi ngộ còn bất cập

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB, việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động. Tính trên cả nước có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều CĐTB không còn hoạt động là do đời sống không đảm bảo, phải đi làm ăn xa để mưu sinh.

Hoa hậu Nông Thúy Hằng (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng bà Lesley Miller và các CĐTB - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Hoa hậu Nông Thúy Hằng (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng bà Lesley Miller và các CĐTB - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Trước đây, theo quy định của Quyết định 75/2009/QĐ-TTg, CĐTB được hưởng mức phụ cấp 0,3 hoặc 0,5 mức lương cơ sở tùy theo địa bàn hoạt động ở khu vực II hay khu vực III. Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã dừng chi trả phụ cấp cho y tế thôn bản (YTTB) nói chung và CĐTB nói riêng.

Từ Nghị định này, hầu hết CĐTB ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi đã bị cắt mất khoản phụ cấp hàng tháng do nhà nước chi trả. Kinh phí để duy trì đội ngũ CĐTB chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trong khi, hầu hết các địa phương có CĐTB hoạt động đều là những tỉnh miền núi, còn nghèo, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách. Không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng, các CĐTB gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 1 năm 2023, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên YTTB. Đặc biệt, có đến trên 638 CĐTB chưa được hưởng phụ cấp nhưng vẫn hoạt động, ngày đêm tham gia chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho bà mẹ - trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), phần lớn (khoảng 97,7%) CĐTB cho biết có chế độ BHYT, tuy nhiên hầu hết họ đều là các đối tượng thuộc hộ nghèo hoặc là dân tộc thiểu số sống ở địa bàn khó khăn, được hưởng chính sách BHYT của nhà nước. Do đó, cần đặt câu hỏi là chính sách về BHYT này có nên tiếp tục duy trì không?

Bên cạnh những bất cập về chế độ đãi ngộ, thì có tới 60% số CĐTB không có đủ trang, thiết bị, vật tư y tế (gói đỡ đẻ sạch) để hoạt động. Từ đó, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Giải pháp nào để duy trì và phát triển mạng lưới CĐTB?

Để đội ngũ CĐTB yên tâm công tác và hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng chung sức, chung tay với Bộ Y tế trong việc duy trì, phát triển mạng lưới CĐTB. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ ban ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thiết thực đến đội ngũ CĐTB. Bên cạnh đó, cần thực thi một cách hiệu quả, sáng tạo và phù hợp các chính sách với từng địa phương cụ thể.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+

Cũng tại hội nghị, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc và các bộ ngành trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ CĐTB. Đồng thời, Uỷ ban Dân tộc đề nghị cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của CĐTB; Quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với CĐTB.

Bà Lesley Miller - Phó Trưởng Đại diện, UNICEF tại Việt Nam - cũng đề xuất lĩnh vực cần được Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và chính quyền cấp tỉnh tiếp tục quan tâm và có các hành động sát sao hơn nữa gồm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đối với cô đỡ thôn bản, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; Xây dựng và cập nhật các nghị quyết, kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản, bao gồm việc phân bổ ngân sách đầy đủ trong bối cảnh tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam.

Trong khi việc tăng cường đầu tư từ chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương để duy trì sự bền vững của đội ngũ CĐTB là điều kiện tiên quyết, cũng cần tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt trong việc đào tạo xây dựng nâng cao năng lực cho CĐTB ở các tỉnh có nhu cầu.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội