Tiếp tục mạnh tay ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm kém chất lượng

Bộ Y tế đã ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ thuốc, mỹ phẩm

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng: Đã giảm

Thu hồi thuốc kém chất lượng: Thu hồi trên văn bản?

Kiểm tra thông tin: Thuốc bị thu hồi vẫn được bày bán

Sản xuất thuốc kém chất lượng 2 công ty dược bị phạt 80 triệu đồng

Bộ Y tế nhận được phản ánh của cử tri về tình trạng mua bán thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng người tiêu dùng mua hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trả lời cử tri, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ đã ban hành các quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ thuốc, mỹ phẩm. Trong đó, bao gồm các quy định đối với cơ sở sản xuất thuốc, đối với thuốc, đối với cơ sở sản xuất mỹ phẩm… Trước khi lưu hành trên thị trường các thuốc, mỹ phẩm, dược liệu phải chịu sự lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước bao gồm hai Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và 63 Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian qua, để tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược, triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, chiến dịch. Qua đó, nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng. Nhờ áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, nhìn chung tỷ lệ thuốc giả đã giảm trong những năm gần đây, từ trên 7% năm 1991, xuống còn dưới 0,1% những năm gần đây. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, kém chất lượng.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược 2016, trong đó, có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn.

Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo 389 các cấp; Công an, quản lý thị trường, Sở Y tế các địa phương trong công tác đấu tranh đối với thuốc kém chất lượng; Thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh, thông qua việc đăng công khai thông tin các thuốc vi phạm chất lượng phải thu hồi trên phạm vi toàn quốc; Thông tin về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có liệt kê đầy đủ dấu hiệu phân biệt giữa thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam với thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 
Lê Tuyết (Theo Sức khỏe & Đời sống)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội