Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao tại TP.HCM
Podcast: Nhiều trẻ nguy kịch do mắc sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết: Bùng phát & ngăn chặn dưới góc nhìn thế giới
Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát sau mưa lũ
Sốt xuất huyết vào mùa: Trẻ em là đối tượng cần lưu ý nhất!
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 23 (2-8/6), TP.HCM ghi nhận 320 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 13,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 23 là 8.595 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 5/2025 tăng gấp 2,5 lần so với cùng kì năm ngoái. Điều đáng lo ngại, nhiều người vẫn chưa nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bệnh, dẫn đến việc phát hiện và xử trí muộn, khiến bệnh chuyển nặng nhanh chóng.
Tháng vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 4 ca bệnh nặng. Điển hình, trẻ L.N. T. T (6 tuổi, Bình Dương) sốt cao tại nhà nhưng gia đình nghĩ đơn giản, chỉ mua thuốc hạ sốt uống. Đến ngày thứ 3, trẻ bắt đầu ói ra máu, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc nặng.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 40-45 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú. Trong đó, khoảng 5% là các trường hợp nặng, chủ yếu do sốc sốt xuất huyết, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh.
Theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển. Đáng lo ngại, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan, dẫn đến trẻ được đưa đến viện trong giai đoạn bệnh đã nặng. Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhũ nhi, thường có biểu hiện không điển hình: Sốt cao vừa, ho, sổ mũi, tiêu chảy, khiến dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm các dấu hiệu như: Mệt nhiều, bứt rứt, lừ đừ, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, đau bụng… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám kịp thời.
Ngành Y tế TP.HCM kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trong mùa cao điểm dịch bệnh, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất với sốt xuất huyết là diệt muỗi, diệt lăng quăng và chủ động tiêm vaccine nếu đủ điều kiện.
Một số biện pháp khác phòng bệnh sốt xuất huyết khác được khuyến cáo, gồm:
- Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ, và các dụng cụ chứa nước khác...).
- Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải.
- Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Bình luận của bạn