Viêm màng não mô cầu: Bệnh hô hấp nguy hiểm, dễ bị nhầm lẫn

Viêm màng não mô cầu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong trong thời gian ngắn

Phẫu thuật thẩm mỹ ở Mexico, 3 người Mỹ tử vong do viêm màng não

Podcast: Không chủ quan khi trẻ mắc bệnh viêm não

Podcast: Đề phòng viêm màng não khi trẻ sốt cao, đau đầu

Podcast: Cảnh giác với bệnh viêm màng não mô cầu ở trẻ em

Trong thời gian gần đây, khi thời tiết biến đổi thất thường, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện thậm chí tử vong vì viêm màng não mô cầu. Tiêu biểu như vụ việc của quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp, nhân viên quân khí thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1 đã qua đời do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Quốc phòng cho biết, Viện Y học dự phòng Quân đội đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3. Kết quả xét nghiệm cho thấy 7 mẫu dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Đây là những người đã tiếp xúc trực tiếp với quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp. Hiện tại, đơn vị đã tổ chức cách ly và theo dõi sức khỏe cho 7 quân nhân này, đồng thời tích cực phối hợp với Sư đoàn 3 và các lực lượng chức năng để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hay một trường hợp khác đang được điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân nữ 48 tuổi ở Hà Nam đã được chẩn đoán mắc viêm màng não - nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể cấp. Theo lời kể của con trai bệnh nhân, ngày 7/2 (tức mùng 8 Tết), bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt rét run liên tục, tình trạng ngày càng trở nặng. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, lơ mơ và nhận thức chậm chạp. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện ở Hà Nam để chụp chiếu và đánh giá. Sau đó, bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trên da người bệnh có những nốt ban xuất huyết hoại tử. Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy chất dịch màu vàng đục. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành điều trị kháng sinh đặc hiệu và thực hiện các biện pháp cách ly. Kết quả soi dịch não tuỷ và xét nghiệp PCR sau đó đều khẳng định, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn não mô cầu type B nguy hiểm.

Các vết ban xuất huyết trên người bệnh nhân mắc viêm màng não mô cầu - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Các vết ban xuất huyết trên người bệnh nhân mắc viêm màng não mô cầu - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Theo đó, viêm màng não mô cầu ở người lớn là một bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây khó khăn trong quá trình điều trị và tốn kém về chi phí. Ngay cả khi được điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tử vong hoặc phải đối mặt với những di chứng nặng nề và kéo dài. Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do não mô cầu, ngay cả khi được điều trị tích cực, vẫn dao động từ 5% đến 15%. Đáng chú ý, có đến 20% số bệnh nhân sống sót phải gánh chịu những di chứng về cả thể chất lẫn tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù loà, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…

Vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm khác nhau có khả năng gây bệnh, trong đó A, B, C, Y và W-135 là 5 nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất. Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm khớp, trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp và nguy hiểm nhất. Nhìn chung, khi mắc bệnh, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng sau, gần tương tự với cúm và cảm lạnh:

- Sốt cao đột ngột, trong một số trường hợp người bệnh có thể sốt đến 41 độ C

- Đau cơ, mệt mỏi

- Ho, đau họng

- Cảm thấy ớn lạnh, rét run

- Đau đầu dữ dội

- Xuất hiện co giật

- Ngủ li bì

- Buồn nôn, nôn

- Cứng cổ…

Với thể đơn thuần, bệnh cũng giống như các dạng viêm màng não khác, có thể điều trị trong khoảng 2 tuần. Nhưng với thể tối cấp, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn trong vài ngày cùng các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê nhanh, xuất hiện những ban xuất huyết hoạt tử ngoài da… có thể gây ra tình trạng sốc, tử vong nhanh chóng.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu nhưng trên thực tế, người lớn cũng có nguy cơ cao tương tự. Đây được coi là một thách thức lớn với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu, gây tử vong trong vòng 24 giờ và cần được cấp cứu khẩn cấp. Vi khuẩn não mô cầu cư trú trong cơ thể người một cách tự nhiên. Do đó, nguồn lây nhiễm bệnh chủ yếu xuất phát từ những người đang mắc bệnh và những người mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh. Trong các đợt dịch viêm màng não do não mô cầu, có đến 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng lâm sàng và trên 50% số người khỏe mạnh mang vi khuẩn não mô cầu trong người. Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp, cụ thể là khi người lành hít phải những giọt bắn chứa vi khuẩn từ người bệnh. Việc lây truyền gián tiếp qua các đồ vật hiếm khi xảy ra.

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tuy viêm màng não mủ do não mô cầu không phải trường hợp thường gặp, chỉ xảy ra ổ dịch lẻ tẻ hoặc các nơi khác du nhập đến, nhưng với tính chất tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, đây là bệnh có thể phòng bằng vaccine nên người dân có thể chủ động tiêm, phòng ngừa bệnh.”

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các nhóm huyết thanh phòng các chủng gây ra do viêm màng não không có khả năng phòng ngừa chéo. Điều này có nghĩa, ngay cả khi đã được chủng ngừa vaccine phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, bạn vẫn cần tiêm thêm vắc xin phòng các nhóm A, C, Y và W-135 để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh toàn diện.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin