Bệnh nhân Đ.V.D. (38 tuổi), cùng con trai 11 tuổi đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Đặng Thanh.
Quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine viêm màng não mới
Podcast: Cảnh giác với bệnh viêm màng não mô cầu ở trẻ em
FDA phê duyệt vaccine mới ngừa viêm màng não mô cầu của Pfizer
Podcast: Đề phòng viêm màng não khi trẻ sốt cao, đau đầu
Cả gia đình mắc viêm màng não, 2 người tử vong, 2 người nguy kịch
Theo thông tin từ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả 4 bệnh nhân trong cùng một gia đình đến từ Bắc Kạn.
Bệnh nhân nam Đ.V.D (38 tuổi) – đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chỉ trong 5 ngày, 2 người trong gia đình anh đã tử vong. Đầu tiên là con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém.
Gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế gần nhà khám và điều trị, tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Bệnh viên đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Tuy nhiên, bé đã tử vong sau đó.
3 ngày sau, mẹ của anh D. cũng xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm nổi ban xuất huyết. Bệnh nhân nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện.
Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân Đ.V.D và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng. Ngày 10/6, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn được chẩn đoán viêm màng não. Bệnh nhân và con trai được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, hai bệnh nhân đều đã được chọc dịch não tủy, cho thấy dịch đục. Các bác sĩ chẩn đoán: viêm màng não do não mô cầu.
Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Theo BS. Bắc, đối với 2 người trong gia đình bệnh nhân D. đã tử vong đều chưa xác định được căn nguyên, nhưng nguy cơ cao cũng có thể do nhiễm não mô cầu.
Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tiêm chủng vaccine, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis.
Viêm màng não mô cầu lây truyền từ người sang người, lây qua đường hô hấp. Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường khó chẩn đoán sớm và tiến triển nhanh. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột:
- Triệu chứng không điển hình: sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng
- Triệu chứng đặc trưng: phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng
- Giai đoạn muộn: hôn mê, mê sảng, co giật mất ý thức; có thể tử vong.
"Bệnh có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở; đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; dự phòng bằng thuốc. Quan trọng nhất là tiêm vaccine để phòng bệnh”, bác sĩ Đại khuyến cáo.
Tỉnh Bắc Kạn lên phương án ứng phó
Theo Báo SK&ĐS, sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn về các trường hợp tử vong tại thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể và kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về bệnh nhân có kết quả dương tính với bệnh do viêm màng não mô cầu, Sở Y tế Bắc Kạn đã tổ chức họp khẩn cấp triển khai hướng dẫn giám sát, hướng dẫn điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do viêm màng não mô cầu trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn là đầu mối tham mưu các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do viêm màng não mô cầu, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch tại huyện Ba Bể.
Dự báo xu hướng, diễn biến dịch bệnh để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Tham mưu, dự trù đảm bảo đầy đủ thiết bị, hoá chất, vật tư, vaccine, cho công tác phòng, chống dịch bệnh não mô cầu.
Bên cạnh đó, chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Thực hiện chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Dự trù vật tư, hóa chất, sinh phẩm, môi trường thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm. Tham gia lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm não mô cầu.
Cùng với đó, tập hợp nhanh, đáp ứng sẵn sàng, chủ động, kịp thời nhất đến vùng có dịch để triển khai các bước theo hướng dẫn chỉ đạo. Đảm bảo sẵn sàng máy móc, phương tiện vận chuyển phục vụ chống dịch. Hướng dẫn các đơn vị về phương án ứng phó phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh khử khuẩn môi trường…
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đảm bảo cơ sở vật chất, địa điểm cách ly, trang thiết bị, vật tư, hóa chất đảm bảo điều trị, cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh não mô cầu.
Về phía Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, cần xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh do viêm màng não mô cầu; phân công viên chức thường trực phòng, chống dịch. Kiện toàn các Đội đáp ứng nhanh, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Ngoài ra, chuẩn bị, bố trí các tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng đáp ứng với các tình huống cấp cứu, dịch bệnh khi xảy ra, sẵn sàng các phương tiện vận chuyển để chuyển người bệnh đến bệnh viện nếu cần thiết.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu.
1. Chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch; theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
3. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu (khi tiếp xúc với người bệnh và ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…).
4. Rà soát, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế để hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế và các đơn vị liên quan về giám sát, phát hiện, điều tra ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực.
5. Chỉ đạo các đơn vị y tế báo cáo đầy đủ các trường hợp mắc bệnh và ổ dịch theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Đề nghị báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 14/6/2024 về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã triển khai trên địa bàn./
Bình luận của bạn