Gặp lương y 7 đời chữa dạ dày đất Lào Cai
Vị lương y 30 năm chữa bệnh miễn phí
Vị Lương y chuyên trị căn bệnh hiếm muộn
Vị lương y kỳ tài với bài thuốc nối gân, xương hiệu nghiệm
Lương y 50 năm tu luyện trên chuông Am hành đạo cứu người
Người thầy thuốc trước hết là những "mẹ hiền" với bệnh nhân - Ảnh: Vũ Phương Thảo
Bạn cháu kể rằng ba bạn ấy bị đau tim, khi người nhà vội vã đưa vào bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ bảo là phải đóng tiền (nhiều lắm) mới giải quyết. Khi người nhà mang tiền đến thì ông đã mất.
Chuyện thứ hai là một người anh bà con của bạn cháu mắc bệnh ung thư máu. Vậy mà người anh này vẫn cố gắng theo đuổi học tập, đến khi bệnh nặng, được đưa vào bệnh viện. Bác sỹ bảo gia đình đưa về vì không còn cứu chữa gì được nữa. Bạn cháu nói: "Anh mình bảo rằng ảnh hận các bác sỹ lắm!".
Hai câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ đến ngành y nói chung và người thầy thuốc nói riêng, những người đằng sau chiếc áo blouse trắng có nhiệm vụ cao cả là cứu người, và cũng gánh chịu nhiều điều tiếng thời gian qua.
Chúng ta xúc động với những hình ảnh các bác sĩ chạy đua với thời gian để cứu chữa các nạn nhân vụ đứt cáp cầu treo ở Lai Châu mới đây, và nhiều bác sĩ từ Hà Nội đi trực thăng lên Lai Châu cùng đồng nghiệp giành giật từ tay tử thần sự sống của các nạn nhân, thì cũng có chuyện làm xấu ngành y như vụ điều dưỡng đánh thuốc mê để cưỡng hiếp thực tập sinh ở Đắk Nông. Hay bên cạnh chuyện các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 mổ tách thành công cặp song sinh thì hình ảnh bệnh nhân từ dưới gầm giường Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bò ra "chào Bộ trưởng" khiến chúng ta xốn xang.
Xốn xang là vì sự quá tải ở bệnh viện khiến thầy thuốc lẫn bệnh nhân và cả xã hội đều vất vả, vì những tiêu cực ở ngành y vẫn còn đó khiến chức năng cao quý cứu người bị hoen ố.
Người thầy thuốc phải là mẹ hiền, "Lương y như từ mẫu" (Hồ Chủ tịch). Nhưng những tiêu cực thời gian qua trong ngành y khiến Bộ Y tế phải ra quy định về y đức, để chấn chỉnh đạo đức của đội ngũ y bác sĩ. Có cần thiết phải có quy định y đức chăng, khi những người y bác sĩ lúc vào trường dược, trường y đã học thuộc lòng lời thề Hippocrates: "Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi... Tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên"...
Ngày xưa, thầy đồ và thầy lang được xã hội coi trọng, vì góp phần mở mang trí tuệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiếm ai làm giàu bản thân từ nghề dạy chữ, chữa bệnh.
Trở thành thầy thuốc, trước hết phải có niềm say mê về nghề y, say mê thiên chức cứu người, và say mê việc nghiên cứu tìm tòi những kỹ thuật giúp cứu người, chế ngự bệnh tật. Nhưng hiện nay cũng có người đến với nghề y với lý do như bao nghề khác là để kiếm sống, kiếm tiền. Học ra, chạy một chân vào bệnh viện để qua thời gian có uy tín, về nhà mở phòng mạch có thu nhập cao hơn. Và tất nhiên ở bệnh viện lạnh lùng bao nhiêu thì về nhà cởi mở niềm nở bấy nhiêu với khách hàng. Có thể những thầy thuốc đó không nhiều, nhưng cũng làm chúng ta phải băn khoăn.
Chúng ta có thể đổ thừa cho kinh tế thị trường khiến ngành y phải tự thân vận động, phải xã hội hóa, tóm lại phải có tiền mới chữa bệnh. Bệnh nhân vào cấp cứu phải đóng tiền đã, cứu sau. Lý do là nếu không có thủ tục này thì có lẽ đội ngũ y bác sĩ cấp cứu sẽ bị phê bình, bị phạt (?).
Hoặc sự nhiêu khê của thủ tục khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế mà báo chí nói mãi, vẫn chưa chấm dứt. Rồi khi thì giảm danh mục thuốc Bảo hiểm y tế, lúc tăng giá khám chữa bệnh...
Cứu người là quan trọng, thủ tục của ngành cũng không vì thế mà xem nhẹ. Nhưng đợi đóng đủ tiền rồi mới bắt tay cứu người thì có lẽ chẳng thầy thuốc nào, dù tài giỏi cách mấy, lại có thể chiến thắng được tử thần trước bệnh nhân.
Người thầy thuốc trước hết phải là những "mẹ hiền" với bệnh nhân. Xã hội cần nhiều hơn nữa những "mẹ hiền" như thế.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
Bình luận của bạn