Trật khớp, liệt tứ chi
Hiện, mỗi ngày khoa Phục hồi chức năng - vật lý trị liệu của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM điều trị cho từ 30 - 40 trường hợp liên quan đến các vấn đề về chức năng cơ - xương - khớp (chiếm 30% tổng số ca bệnh). Nguyên nhân chính là do lạm dụng vặn, bẻ khớp quá mức. Đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 35 trở lên.
Chúng ta thường cảm thấy dễ chịu hơn khi bẻ khớp ngón tay, vặn cổ, vặn mình lúc mỏi. Lâu dần, nhu cầu bẻ khớp, vặn khớp trở thành một phản xạ.
Tại sao khi vặn, bẻ khớp ta lại thấy dễ chịu? Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh Hải, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - vật lý trị liệu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM giải thích, khi hệ thống cơ, dây chằng của cơ thể bị căng liên tục sẽ tạo sự kích thích. Khi đó, theo phản xạ, chúng ta sẽ tự lắc người, bẻ khớp để chống lại hiện tượng trương lực liên tục đó.
Tuy nhiên, việc vặn, bẻ khớp quá mức, không phù hợp sinh lý vận động của cơ thể, hay tập thể dục sai cách sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Nhiều người hay bẻ khớp ngón tay để phát ra tiếng kêu cốc cốc. Tiếng cốc cốc đó do áp lực âm tạo thành. Hậu quả của hành động này có thể làm bong khớp, khiến khớp to lên, xấu về thẩm mỹ.
Riêng những tác động vào cột sống cổ, cột sống lưng thì nguy hiểm hơn rất nhiều. “Nhiều bệnh nhân tự vặn cổ dẫn tới bị trật khớp. Có người bị nhân viên massage “đi lưng” làm gãy xương sườn. Khoa từng ghi nhận một nam bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng rất nặng. Bệnh nhân đi gội đầu thư giãn, không biết nhân viên ở đó bấm huyệt, xoa bóp, tác động sao mà gãy luôn cột sống cổ làm liệt tứ chi” - bác sĩ Hải kể.
Ngoài những thói quen xấu ảnh hưởng tới chức năng của cơ - xương - khớp, bác sĩ Hải cũng cảnh báo tư thế làm việc của một số ngành nghề đặc thù đang góp phần làm lượng bệnh nhân ngày một gia tăng. Đó là những nhân viên văn phòng gõ phím máy tính lâu bị ảnh hưởng chức năng khớp cổ tay, ngón tay. Hoặc những người ngồi lâu một tư thế như công nhân, thợ máy dễ bị ảnh hưởng cột sống…
Động tác đơn giản đối phó nhức mỏi
Đối với bệnh về chức năng cơ - xương - khớp như trên, thông thường bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân có những bài tập thể dục phù hợp. Có thể bệnh nhân được cho dùng thêm thuốc giảm đau và một số thuốc kháng viêm… Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với những bệnh nhân này là phải biết nghỉ ngơi, vận động vừa sức.
“Nhiều bệnh nhân than thở, tôi thường xuyên tập thể dục nhưng sao tình trạng bệnh không cải thiện, khớp còn bị đau hơn. Tập thể dục có lợi nhưng phải biết lượng sức, tập bài tập vừa phải, phù hợp với bản thân, nếu không sẽ bị phản tác dụng”, bác sĩ Hải lưu ý.
Để đối phó với tình trạng mỏi cổ, mỏi lưng, bác sĩ Hải chỉ dẫn cho mọi người một số động tác đơn giản, hiệu quả, an toàn.
Khi mỏi cổ, chúng ta hãy lồng hay bàn tay đan xen nhau, đưa ra sau đầu. Tiếp đó vít đầu cúi xuống nhưng cổ lại cố gắng chống lại, ngửa ra sau. Mỗi lần làm như vậy đếm từ 1 - 10. Khi mỏi làm như thế vài lần.
Đối với tình trạng mỏi khớp cổ tay, ngón tay, chúng ta có thể làm giảm bằng cách bóp một quả bóng mềm.
“Cơ thể con người từ khi vừa trưởng thành đã bắt đầu thoái hóa. Xương khớp cũng vậy, chỉ khác biệt ở chỗ không có biểu hiện ra bên ngoài như tóc, da…Việc điều trị, tập luyện không chống lại được quá trình lão hóa của cơ thể nhưng giúp giảm tiến trình thoái hóa, để người bệnh sống chung với bệnh tật một cách tốt nhất”, bác sĩ Hải nói.
Bình luận của bạn