Cảnh báo dịch cúm A (H5N1) từ gia cầm lây sang người
Ghi nhận 777 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1
Hòa Bình, Vĩnh Long đang có dịch cúm H5N1!
Cảnh báo: Cúm A/H5N1 vừa xuất hiện có thể lây sang người
Nga: Cúm gia cầm H5N1 tái xuất sau 2 năm
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngày 5/4 vừa qua, một ổ dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm được ghi nhận tại 1 hộ thuộc thôn Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng vừa có công điện đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 ở người; Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch; Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Phòng chống cúm A/H5N1 lây lan từ gia cầm sang người
Virus cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, có thể dẫn đến tử vong cho người nếu không được điều trị kịp thời.
Đường lây truyền
- Do tiếp xúc với gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh (trong khi chăn nuôi, vận chuyển, làm thịt gia cầm bị bệnh...) hoặc gia cầm khỏe nhưng đã mang virus H5N1.
- Do ăn tiết canh, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín...
Triệu chứng thường gặp
- Sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 38 độ C, đôi khi rét run, mặt đỏ.
- Đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch.
- Ho hoặc ho khan.
- Khó thở...
Bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người
Hiện chưa có vác xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng. Để chủ động phòng bệnh chúng ta cần thực hiện 4 biện pháp khẩn cấp sau:
- Tăng cường vệ sinh ăn uống.
- Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ.
- Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh.
- Không ăn tiết canh.
- Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.
- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh.
- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn.
- Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh.
- Nên thay, giặt quần áo, rửa giày dép hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe.
- Không cho gà đấu chọi, không xem chọi gà.
- Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; Đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; Rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.
- Không cho trẻ em tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm.
- Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.
Hãy đến ngay cơ sở Y tế khi bệnh nhân sốt cao trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... Cần đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.
Làm gì khi trong gia đình có người nhiễm cúm A/H5N1
- Đưa người bệnh đến cơ sở Y tế để điều trị kịp thời.
- Những người sống trong cùng gia đình cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm.
- Sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ định của thầy thuốc.
- Phải khử trùng, vệ sinh nhà cửa theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang.
Bình luận của bạn