Cảnh báo tình trạng ma tuý ẩn nấp sau tinh dầu CBD tự pha chế

CBD hay còn được gọi là "tinh dầu cần" đang được sản xuất và mua bán tràn lan trên mạng xã hội

Cảnh báo chất cấm trong thuốc lá điện tử

Hậu quả nặng nề khi cho trẻ sử dụng ma túy

Hà Nội siết chặt quản lý “bóng cười”

Hít bóng cười, mỗi năm 15 người Mỹ chết

Tinh dầu thuốc lá điện tử có đa dạng các loại hương vị đa dạng như nho, dâu, táo, kiwi, xoài, chocolate, trà... Ngoài ra, nhiều bạn trẻ nghiện thuốc lá điện tử đang quan tâm đến một loại tinh dầu với tên gọi "CBD" (Cannabidiol, tạm dịch là tinh dầu cần sa). CBD là một trong những thành phần chính của cần sa, được chiết xuất chủ yếu từ cây gai dầu (cùng họ với cần sa). Do chứa tinh chất này nên tác động của CBD đến người sử dụng cũng được đánh giá tương tự như các chế phẩm cần sa khác: có thể khiến người sử dụng lên cơn “phê”, đầu óc quay cuồng, hưng phấn quá độ, có khi bước vào trạng thái vô thức và dần trở thành con nghiện.

Nguy hiểm hơn, trên thị trường đang có rất nhiều loại CBD trôi nổi, được pha trộn hàng loạt từ những chất độc hại không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ.

Hiện nay, CBD đang được xếp vào danh mục chất cấm tại Việt Nam.

Ngang nhiên mua bán chất cấm trên mạng xã hội

Hoạt động mua bán chất cấm này tràn lan đến mức, chỉ cần gõ từ khoá “CBD”, “Pod Chill”, “tinh dầu cần sa”,… trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook sẽ cho ra kết quả của hàng trăm trang cá nhân, hội nhóm. Có những nhóm, số lượng thành viên tham gia lên tới hơn 30.000 người và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi đăng 1 bài đăng với nội dung muốn mua CBD, ngay lập tức sẽ có rất nhiều tài khoản vào để lại bình luận “chào hàng”. Ngược lại, khi có 1 bài đăng dạng “chào hàng” cũng sẽ có hàng loạt những người cần mua vào bình luận. Chưa kể có những cá nhân sẽ trực tiếp nhắn tin trao đổi để được nhanh chóng “ship hoả tốc”. Chỉ cần 1 tài khoản bán hàng bị các cơ quan chức năng truy quét, chúng sẽ tiếp tục “đổi địa bàn” qua các ứng dụng khác như Zalo, Telegram để tiếp tục hoạt động, đầu độc các thanh thiếu niên mới lớn bằng những lời mời chào ngon ngọt. Đáng chú ý, chúng còn coi đây là một “nghề” để kiếm sống.

Thị trường CBD hiện nay đang rất khó kiểm soát bởi những chai lọ không nhãn mác và độ tinh vi của cả người mua lẫn người bán.

Thị trường CBD hiện nay đang rất khó kiểm soát bởi những chai lọ không nhãn mác và độ tinh vi của cả người mua lẫn người bán.

Lần theo thông tin trên Facebook, tôi liên hệ với 1 trang cá nhân có bán CBD tại Hà Nội. Tài khoản này chia sẻ, giá của từng “sản phẩm” là khác nhau, có loại nặng, loại nhẹ, đa dạng mùi vị và được các đối tượng đựng trong các chai có dung tích 3ml, 5ml, 10ml, 50ml, 100ml với giá được chính chủ đăng công khai từ 150.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

Tương tự với “pod chill” - một loại thuốc lá điện tử dưới dạng dùng 1 lần, chúng sẽ được châm sẵn tinh dầu vào trong, khi hút cũng cho cảm giác tương tự CBD. Người bán mời chào tôi theo kiểu “mua về chỉ việc hút”. Khác xa với các loại pod thông thường, pod chill được bán với giá trên trời, giao động trong khoảng từ 600.000 đồng đến 1.800.000 đồng/cây và sử dụng khoảng từ 5-7 ngày là hết tinh dầu.

Mạng xã hội online chính là nơi chúng công khai giao dịch mua bán vì đơn giản lại hiệu quả. Nếu bị đánh sập tài khoản này, chúng có thể dễ dàng tạo ngay 1 tài khoản mới.

Mạng xã hội online chính là nơi chúng công khai giao dịch mua bán vì đơn giản lại hiệu quả. Nếu bị đánh sập tài khoản này, chúng có thể dễ dàng tạo ngay 1 tài khoản mới.

Phương thức hoạt động vô cùng tinh vi, chỉ cần truy cập nhóm, đăng 1 bài quảng cáo, lăng xê chất lượng tinh dầu tự chế “bao phê, bao tê” là sẽ có hàng chục thậm chí hàng trăm khách để lại bình luận muốn mua hàng. Khi giao dịch, chúng sẽ yêu cầu khách hàng phải thanh toán chuyển khoản trước rồi  mới giao hàng. Sau đó, chúng sẽ đặt qua các ứng dụng giao hàng công nghệ, làm giả địa chỉ lấy hàng nhằm né tránh sự truy bắt của các lực lượng chức năng.

Với sự tinh vi và lời lẽ ngon ngọt, người bán hàng vẫn đang thuyết phục người mua bằng cách: gieo vào đầu của thanh thiếu niên về lợi ích của CBD như: được hợp pháp, dùng để chữa bệnh, không phải ma tuý hay thậm chí là “test không lên” (có nghĩa, khi sử dụng tinh dầu CBD sẽ “phê” y hệt như khi sử dụng cần sa nhưng nếu xét nghiệm nước tiểu sẽ cho kết quả âm tính).

Khi chỉ bán cho người dùng thôi là chưa đủ, một số tài khoản cá nhân còn công khai mua bán những nguyên liệu điều chế thậm chí bán luôn cả những “công thức điều chế” được cho là “ngon-phê” nhất thị trường.

CBD vẫn đang ngày ngày được điều chế và bán ra với số lượng lớn. Gọi “sang” là CBD nhưng trên thực tế, không ai có thể biết chính xác chúng điều chế bằng những chất độc nào.

CBD vẫn đang ngày ngày được điều chế và bán ra với số lượng lớn. Gọi “sang” là CBD nhưng trên thực tế, không ai có thể biết chính xác chúng điều chế bằng những chất độc nào.

Tác hại của CBD đối với sức khoẻ và lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết CBD chiết xuất từ cần sa, do đó khi dùng sẽ gây tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Chất này tạo cảm giác sảng khoái, hưng phấn nhưng nhẹ hơn so với thuốc lắc và ma túy đá.

Tuy cần sa có mức độ gây lệ thuộc thấp hơn heroin hay ma túy, tuy nhiên bác sĩ Hiển cảnh báo nếu sử dụng lâu dài sẽ gây tổn hại trên hệ thần kinh trung ương, gây kém tập trung, suy giảm nhận thức, loạn thần (ảo giác hoang tưởng, gây tổn thương não)... Đặc biệt người sử dụng cần sa sau một thời gian thường sẽ nâng cấp lên các loại ma túy khác "nặng đô" hơn như heroin, thuốc lắc... 

"Trong quá trình làm việc, tôi đã tiếp nhận thăm khám, điều trị nhiều bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, suy tim, tổn thương não... Họ chủ yếu là người trẻ, khai thác có sử dụng thuốc lá điện tử, hoặc thuốc lá điện tử kèm theo các chất gây nghiện khác", bác sĩ Hiển nói.

Trên trang chủ của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đã có không ít những khuyến cáo và cảnh báo được đăng tải về tác hại, tác dụng phụ khi sử dụng CBD như gây ảo giác, tổn thương não. Thậm chí nếu lạm dụng có thể gây loạn thần. Có thể nói, mặc dù trước đó CBD được sử dụng trong y tế như một hợp chất giúp điều trị bệnh nhưng do sự biến chất của các đối tượng vi phạm pháp luật, CBD hiện nay đã và đang bị cấm lưu hành ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Vì vậy, mọi hình thức mua bán, sử dụng, tàng trữ CBD tại Việt Nam hiện nay đều trái với pháp luật hiện hành.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã ban hành một Bản cảnh báo sức khỏe trên Mạng lưới cảnh báo sức khỏe (HAN) vào năm 2021 để thông báo cho người tiêu dùng rằng, CBD có thể được chuyển đổi tổng hợp thành Delta-8 THC, một chất gây ảo giác và chưa được nghiên cứu rõ. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm CBD không được FDA quản lý. Do đó, người tiêu dùng nên biết rằng các sản phẩm được cho là chiết xuất từ gai dầu hoặc CBD có thể chứa các thành phần khác như THC, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, vi khuẩn hoặc nấm.

Tại Việt Nam, đã có rất nhiều những vụ việc liên quan tới mua bán sử dụng CBD được cơ quan công an điều tra, bắt giữ và truy tố. Đa số các đối tượng đều có tuổi đời còn rất trẻ và chưa nhận thức được việc đang làm là vi phạm pháp luật. Chính vì thế, giới trẻ hiện nay đang rất cần sự chung tay giúp đỡ từ phía gia đình, nhà trường. Cần tuyên truyền rộng rãi đến các em học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá điện tử nói chung và các chất gây nghiện có trong thuốc lá điện tử nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, bảo vệ tương lai, bảo vệ sức khoẻ.

Qua thực trạng cho thấy, các vụ án ma túy hiện nay chủ yếu tập trung vào các loại ma túy truyền thống, trong khi các hình thức ma túy mới như cỏ mỹ, pod chill, tinh dầu CBD chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng, sản xuất và tiêu thụ các loại ma túy này. Để đối phó với tình hình phức tạp trên, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý để đưa mọi hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy, kể cả các hình thức mới vào vòng pháp luật.

 

Các sản phẩm từ cỏ mỹ, pod chill, tinh dầu CBD… chính là ma túy theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP. Vì vậy, hành vi mua bán các sản phẩm nói trên sẽ bị truy cứu hình sự tội mua bán trái phép chất ma túy, tùy theo số lượng sẽ có mức xử lý khác nhau theo Điều 251 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Áp dụng quy định tại Điều 101 BLHS, trường hợp người dưới 18 tuổi mua bán trái phép chất ma túy thì tùy từng mức độ của hành vi phạm tội sẽ có các mức hình phạt khác nhau, cao nhất là 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cao nhất là 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, các tài khoản mạng xã hội công khai đăng bài mua bán những sản phẩm này sẽ bị xử lý hành chính theo điểm c Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

 

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn