Cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh viêm ruột mạn tính ở Việt Nam

Các y bác sỹ đang nội soi đường tiêu hóa cho bệnh nhân mắc viêm ruột mạn tính

Tại sao người bị viêm ruột không nên uống trà xanh khi bổ sung sắt?

Vì sao người bị viêm ruột nên hạn chế ăn đồ chiên rán?

Đau bụng dưới dữ dội cảnh báo bệnh nguy hiểm!

6 triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột (IBD)

Đó là chia sẻ của TS. Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) trong Hội nghị khoa học tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai – Đại học Nagoya Nhật Bản lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo TS. Khanh, nhóm bệnh viêm ruột mạn tính gồm 2 bệnh chính là viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn bao gồm 2 "đỉnh tuổi" (độ tuổi mắc bệnh):

- Đỉnh tuổi rất trẻ là 17,19 đến 25 tuổi. Đỉnh tuổi này hay gặp nhất. Đặc biệt là bệnh Crohn gây ra biến chứng gần như "tàn tật" đường tiêu hóa bởi có những người rò ruột, dính ruột, thủng ruột, sau đó bị đi bị lại, không thể làm gì được.

- Đỉnh tuổi thứ hai là vào 50,55 đến 60 tuổi. Bệnh khi xuất hiện ở đỉnh tuổi thứ 2 thường không quá nặng như ở đỉnh tuổi thứ nhất.

Theo bác sỹ Khanh, nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh viêm ruột mạn tính hiện nay có liên quan đến môi trường sống như thức ăn, môi trường vi sinh vật trong ruột.

"Nếu như trước đây người Việt chúng ta ăn thức ăn truyền thống, nhiều rau, nhiều chất xơ thì ngày nay chúng ta ăn ít rau và chất xơ, nhiều chất đạm. Thức ăn thay đổi dẫn đến các vi sinh vật trong ruột cũng thay đổi theo. Nếu ăn nhiều thịt hoặc nhiều rau thì các loại vi sinh vật cũng phát triển khác nhau, tác động đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể, chống lại chính những tế bào ở thành ruột. Thứ 2 là bia rượu cũng tàn phá hệ Tiêu hóa và sức khỏe của chúng ta rất nhiều. Nó làm rối loạn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Rượu bia cũng gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá" - TS. Vũ Trường Khanh cho biết.

TS. Vũ Trường Khanh cũng cho biết thêm, những năm gần đây, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về lý đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm và nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ với những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân. Bệnh thường gặp là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng,... nặng hơn thì phát hiện ung thư.

Hội nghị khoa học Tiêu hóa lần thứ 7 giữa BV Bạch Mai và Đại học Nagoya (Nhật Bản) vừa diễn ra tại Hà Nội

Tại hội nghị lần này, các chuyên gia đã cùng trình bày các báo cáo kết quả ban đầu về điều trị thuốc sinh học tại Khoa tiêu hoá - Bệnh viện Bạch Mai. Loại thuốc này được sử dụng trên thế giới từ lâu nhưng Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đã triển khai sử dụng cho bệnh nhân. Thuốc sinh học là một loại thuốc chuyên biệt, có bản chất là protein và/hoặc acid nucleic, được sản xuất từ các tế bào sống qua quy trình công nghệ sinh học.

Ưu điểm của thuốc sinh học là thuốc điều trị ít tác dụng phụ, tuy nhiên giá thành của nó còn cao so với thu nhập của người dân Việt Nam. Tính trung bình, một năm người bệnh nếu dùng thuốc thì phải chi trả trên 100 triệu (ngoài 50% đã được BHYT thanh toán).

Thuốc sinh học được chứng minh là rất tốt và trong lâm sàng cho thấy với những ca thất bại trong điều trị các thuốc khác thì thuốc sinh học là “cứu cánh”. Với những "lỗ rò" nếu sử dụng thuốc sinh học thì sẽ nhanh liền hơn, tổn thương ở đại tràng, ruột non sẽ giảm nhanh, đặc biệt các rò quanh hậu môn, trực tràng, hoặc đối với người trẻ tuổi mà bệnh rất nặng thì việc sử dụng thuốc sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao, đôi khi có thể tránh được việc phải phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc sinh học có một nhược điểm là khi ta cắt thuốc thì nó lại tái phát và phải điều trị lâu dài.

Bệnh viêm ruột mạn tính là bệnh tồn tại dai dẳng, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Việc điều trị cũng rất khó khăn vì nó liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Do đó, TS. Khanh cho hay, người dân cần phải có lối sống, sinh hoạt điều độ, chế độ dinh dưỡng cũng cần điều chỉnh hợp lý. Quan trọng nhất là chúng ta cần phải phòng bệnh trước khi có bệnh, bởi bệnh lý đường tiêu hoá thường dai dẳng và có yếu tố liên quan đến lối sống, sinh hoạt.

Hội nghị khoa học tiêu hóa BV Bạch Mai – Đại học Nagoya lần thứ 7 là hoạt động thường niên, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa bệnh viện Bạch Mai và Đại học Nagoya Nhật Bản trong nhiều năm nay.

Tháng 7/2014, Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức với một bước ngoặt lớn đó là sự ra đời của Trung tâm Tiêu hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm được thành lập đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như: Chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc điều trị tổn thương tiền ung thư; ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản dạ dày và đại tràng; cho phép thăm dò toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non. Chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu đã trở thành kỹ thuật thường qui giúp cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng đường mật nặng có suy tạng, rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, suy hô hấp


Nguyên Hương H+ (Ảnh: BVCC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn