Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm độc lực cao H5N1

Virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, có thể lây từ gia cầm sang người

Trung Quốc ghi nhận ca tử vong vì nhiễm cùng lúc 2 chủng cúm gia cầm

Podcast: Cúm gia cầm gia tăng: Người dân có cần kiêng trứng và thịt gà?

Bệnh nhân mắc cúm A (H5N1) ở Khánh Hòa tử vong, Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn

Podcast: Cần làm gì để chủ động phòng ngừa cúm A/H5N1?

Ngày 5/4, Cục Thú Y Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) kêu gọi cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao khi phát hiện chủng virus A(H5N1) tái tổ hợp trên gà và ngan, thông qua giám sát chủ động tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên vẫn xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm tại một số địa phương.  

Kết quả phân tích giải trình tự gene chuyên sâu các chủng virus cúm gia cầm A(H5N1) được lấy mẫu từ các chợ buôn bán gia cầm sống và ổ dịch trong hai năm 2022 và 2023 cho thấy virus cúm gia cầm A(H5N1) thuộc hai nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b tiếp tục lưu hành tại Việt Nam.

Ở châu Á, một số nhánh virus A(H5N1) bao gồm 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các nhánh khác, có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của virus với các đặc điểm mới.

Chủng virus cúm gia cầm A(H5N1) mới đã được phát hiện trên khắp Tiểu vùng sông Mê Kông, gây bệnh trên cả người và gia cầm kể từ giữa năm 2022. Đặc biệt virus này đã gây bệnh cho người ở Campuchia trong các tháng đầu năm nay.

Việc phát sinh và lây lan virus cúm gia cầm A(H5N1) tái tổ hợp này vào Tiểu vùng sông Mê Kông đã gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe động vật và con người. Hơn nữa, việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của virus trên người mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

Mới đây, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho các bác sĩ, cơ quan y tế và cộng đồng về một ca nhiễm cúm gia cầm ở người do tiếp xúc với bò sữa nghi nhiễm virus. Người đàn ông này là nông dân ở bang Texas, chỉ có triệu chứng duy nhất là đau mắt.

Ca bệnh này là trường hợp thứ hai nhiễm cúm A(H5N1) tại Mỹ kể từ 2022. Tuy nguy cơ do cúm H5N1 ở Mỹ được đánh giá ở mức thấp, nhiều người vẫn lo ngại về hiện tượng cúm gia cầm lây nhiễm sang động vật có vú như bò sữa.

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao loại A(H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong. Trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H5) trên người gần đây nhất được báo cáo vào tháng 10/2022 tại Phú Thọ và một trường hợp tử vong khác do cúm gia cầm A(H5N1) được báo cáo vào tháng 3 tại Khánh Hòa.

 

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người. Virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người mắc bệnh thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%).

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm