Trung Quốc có lượng lớn các loài chim nuôi và chim hoang dã, tạo môi trường lý tưởng cho các virus trộn lẫn và biến đổi - Ảnh: Reuters.
Podcast: Cúm gia cầm gia tăng: Người dân có cần kiêng trứng và thịt gà?
Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người dịp cuối năm
WHO: Ghi nhận số lượng lớn mèo nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở Ba Lan
WHO: Cúm gia cầm gia tăng bất thường gây lo ngại cho con người
Theo Reuters, Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia của Trung Quốc ngày 30/1 thông tin về một trường hợp nhiễm hỗn hợp H3N2 và H10N5 đã được phát hiện ở tỉnh Chiết Giang. Bệnh nhân là một phụ nữ 63 tuổi ở Tuyên Thành, tỉnh An Huy, trước đây có nhiều bệnh lý nền.
Theo báo cáo ban đầu, ngày 30/11/2023, bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng và sốt cao. Đến ngày 2/12, người này được đưa đến trung tâm y tế địa phương để điều trị do tình trạng yếu. Sau đó, ngày 7/12 bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế ở tỉnh Chiết Giang và qua đời vào ngày 16/12 cùng năm.
Ngày 22/1/2024, tỉnh Chiết Giang đã phân lập được virus cúm mùa H3N2 và cúm gia cầm H10N5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này. Ngày 26/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã tiến hành tái kiểm tra và cho kết quả phù hợp với kết luận trước đó, theo Globaltimes.
Cả 2 tỉnh Chiết Giang và An Huy đã tiến hành giám sát y tế đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia ngay sau đó đã hướng dẫn các tỉnh Chiết Giang và An Huy thực hiện công tác phòng chống theo kế hoạch liên quan, đồng thời tổ chức tiến hành đánh giá rủi ro.
Phân tích gene hoàn chỉnh của virus, các chuyên gia đánh giá, virus H10N5 có nguồn gốc từ gia cầm và không có khả năng lây nhiễm hiệu quả sang người. Họ giải thích, trường hợp nhiễm bệnh trên là do "sự lây truyền chéo loài từ gia cầm sang người", đồng thời lưu ý "nguy cơ virus lây nhiễm sang người là thấp và chưa có sự lây truyền từ người sang người."
Trong khi, H3N2 là một chủng virus thuộc phân nhóm cúm A của virus Influenza, gây bệnh cúm và biến chứng nguy hiểm phổ biến ở người. Virus cúm H3N2 chiếm ưu thế ở 3 trong 5 chủng cúm mùa phổ biến hiện nay. Virus H3N2 có thể lây nhiễm cho chim, lợn và người.
Trung Quốc có lượng lớn các loài chim nuôi và chim hoang dã, tạo ra môi trường lý tưởng cho các virus trộn lẫn và biến đổi.
Trước tình hình chủng cúm gia cầm và cúm mùa diễn biến phức tạp, các chuyên gia Trung Quốc khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết trong cuộc sống hàng ngày, cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống, chú ý vệ sinh cá nhân và nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Bình luận của bạn